Tái phát bệnh tâm thần phân liệt do không tuân thủ điều trị
Trường hợp bệnh nhân N.V.H, 32 tuổi, mắc chứng tâm thần phân liệt tái phát, nhập viện với lý do cho rằng mọi người muốn hại mình. Cách đây 2 năm, người nhà thấy anh H ít nói, hay mệt mỏi, ngại giao tiếp hơn ngay cả với gia đình và tránh các hoạt động chung.
Tình trạng kéo dài khoảng 2 tháng, anh thường xuyên nghỉ làm, sinh hoạt trong phòng 1 mình, hầu như không tiếp xúc với ai và ăn uống thất thường không theo giờ giấc kèm theo cáu gắt không hợp lý, có lúc lại lẩm bẩm 1 mình không rõ nội dung, ngủ ít.
Các bác sĩ chia sẻ thông tin tại tọa đàm “Tâm thần phân liệt tái phát”. |
Khi người nhà quan tâm, anh H cho rằng người nhà theo dõi, giám sát mình, thậm chí âm mưu hại mình nên dần trở nên sợ sệt, có lúc giận dữ phản ứng, chửi bới, đập phá đồ đạc trong nhà. Anh được người nhà cưỡng chế đưa vào điều trị với chẩn đoán tâm thần phân liệt thể hoang tưởng.
Sau đợt điều trị đầu tiên kéo dài 25 ngày bằng liệu pháp hóa dược, các triệu chứng hoang tưởng của bệnh nhân giảm. Sau đó anh H được cho ra viện và ổn định sinh hoạt tại nhà.
Tuy nhiên, sau khoảng 4 tháng thì bệnh nhân dừng tái khám, tự ý dừng thuốc vì cho rằng mình đã khỏi bệnh. Sau đó, bệnh nhân gặp nhiều mâu thuẫn, căng thẳng trong công việc nên thường sử dụng rượu. Sau đó, anh H tái phát bệnh với nhiều triệu chứng đã gặp.
Bác sĩ chuyên khoa II Ngô Văn Tuất, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) thông tin, tâm thần phân liệt có tiến triển từ từ, khuynh hướng mạn tính. Bệnh có thể xảy đến bởi giải phẫu sinh lý não, tâm lý xã hội....và di truyền cũng là một yếu tố có thể bao gồm.
· Bệnh nhân tâm thần phân liệt có nguy cơ tử vong sớm gấp 2 - 3 lần.
· Tỷ lệ tái phát đối với những người bị tâm thần phân liệt từ 50 - 92% toàn cầu.
· Tỷ lệ tái phát tâm thần phân liệt sau đợt loạn thần đầu (trong 5 năm đầu) tới 80%.
Nhiều nguyên nhân gây tái phát bệnh
Nghiên cứu cho thấy đối tượng không tuân thủ thuốc trong năm đầu tỷ lệ tái phát khoảng 70%. Trong khi nếu tuân thủ dùng thuốc năm đầu tỷ lệ tái phát khoảng 40%, Nhưng nếu tiếp tục tuân thủ thuốc sau 1 năm tỷ lệ tái phát <20%.
Bên cạnh đó, việc sử dụng chất kích thích (rượu, nicotin, ma túy) cũng làm tăng nguy cơ tái phát bệnh.
Bác sĩ tại Viện Sức khỏe Tâm thần thăm khám cho người bệnh. (Minh họa) |
Bác sĩ Bác sĩ chuyên khoa II Ngô Văn Tuất chia sẻ: “Hiện nay, với sự tiến bộ trong điều trị và thuốc, nhiều bệnh nhân tâm thần có thể hòa nhập tốt với cộng đồng. Bệnh có tính chất theo đợt nên khi bùng phát, bệnh nhân phát hiện và chủ động điều trị thì có thể xử lý bệnh tốt hơn”.
Các biện pháp điều trị như sử dụng thuốc an thần kinh, các liệu pháp tâm lý, điều biến não... đều được các chuyên gia đánh giá là hiệu quả. Tuy nhiên, trên hết là bệnh nhân cần tuân thủ phác đồ điều trị, bảo đảm dùng thuốc đúng chỉ định và không tự ý ngưng điều trị mới giúp bệnh không trầm trọng thêm.
Bác sĩ Ngô Văn Tuất cũng nêu vấn đề về sự kỳ thị. Đặc biệt, đối với người bị tâm thần phân liệt, vấn đề bị kỳ thị từ xã hội lâu nay cũng là một thách thức rất lớn.
Góc nhìn từ những người chung quanh, lầm tưởng rằng người bệnh tâm thần phân liệt là mất kiểm soát hành vi, có hành vi nguy hiểm với người khác cũng khiến bệnh nhân tự ti, thu mình lại.
Từ đây, người bệnh khó khăn tìm kiếm sự giúp đỡ và giảm sự tuân thủ điều trị, thậm chí buông xuôi. Đây là góc độ xã hội cần nhìn nhận cảm thông hơn và truyền thông rộng rãi để giúp đỡ người bệnh hòa nhập với cộng đồng.