“Tắm rừng” Cát Tiên

“Tắm rừng” Cát Tiên

NDO - Vườn quốc gia Cát Tiên, khu rừng nhiệt đới ở Đông Nam Bộ, nơi đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, chứa đầy ắp hình ảnh ấn tượng và trải nghiệm kỳ thú cho những vị khách yêu thiên nhiên hoang dã.

Thuật ngữ “tắm rừng” bắt nguồn từ Nhật Bản nay đã không còn xa lạ với nhiều người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. Tắm rừng có nghĩa là “đắm mình trong bầu không khí của rừng”, và là một liệu pháp chữa lành tự nhiên được công nhận bởi nhiều nghiên cứu khoa học, giúp con người cải thiện sức khoẻ thể chất và tinh thần.

Một nơi vô cùng hoàn hảo để "tắm rừng" ở miền nam nước ta đó là Vườn quốc gia Cát Tiên, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 150km. Khu bảo tồn thiên nhiên này nằm trên địa bàn 5 huyện là Tân Phú, Vĩnh Cửu (Đồng Nai), Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Bù Đăng (Bình Phước). Phần rừng nằm ở tỉnh Đồng Nai thường được gọi là Nam Cát Tiên, cũng là nơi đặt trụ sở Ban quản lý Vườn quốc gia và là điểm đến du lịch với nhiều tuyến, điểm phong phú, hấp dẫn.

Để khám phá rừng Nam Cát Tiên, du khách có thể lựa chọn một trong hàng chục tour khác nhau, trong ngày hoặc vài ngày, đi xe Jeep chuyên dụng hoặc đi trekking, cắm trại ven sông Đồng Nai hoặc ngủ đêm trong Bàu Sấu… Mùa khô ở đây kéo dài từ tháng 12 đến tháng 5, trong đó thời điểm lý tưởng cho du lịch là khoảng cuối tháng 4 và đầu tháng 5, mùa bướm và mùa muồng hoa đào Cát Tiên nở rộ.

“Tắm rừng” Cát Tiên ảnh 1

Để khám phá rừng Nam Cát Tiên, nhiều du khách chọn thuê xe đạp kết hợp với đi bộ.

“Tắm rừng” Cát Tiên ảnh 2

Con đường nhỏ xuyên rừng dài chừng 20km luôn rợp bóng cây và râm ran tiếng ve.

“Tắm rừng” Cát Tiên ảnh 3

Cây tung cổ thụ hơn 400 năm tuổi với chiều cao hơn 30m, bộ rễ dài hơn 20m, ước chừng 20 người đứng quanh mới bao hết chu vi. Chỉ cách cổng Vườn quốc gia khoảng 800m, đây là điểm check-in của hầu hết du khách đến với Nam Cát Tiên.

“Tắm rừng” Cát Tiên ảnh 4
“Tắm rừng” Cát Tiên ảnh 5

Rừng ở Nam Cát Tiên được bảo vệ nghiêm ngặt, kể cả những cây gỗ bị ngã đổ do xói mòn, mưa bão… cũng sẽ được giữ nguyên trạng.

“Tắm rừng” Cát Tiên ảnh 6

Một nhóm du khách đến từ TP Hồ Chí Minh tham quan cây đa lộc giao với sáu gốc đa lực lưỡng cùng vươn thẳng lên bầu trời, quyện chặt lấy nhau tại ngọn. Vô số rễ phụ ken vào nhau, dây leo ký sinh chằng chịt, tạo nên khung cảnh huyền bí, ma mị. Với vẻ đẹp đó, cây đa lộc giao đã được một số đoàn làm phim chọn làm bối cảnh quay phim.

“Tắm rừng” Cát Tiên ảnh 7

Cây gõ Bác Đồng, là loài gõ đỏ được xếp loại gỗ quý hiếm nhóm I. Cây cao hơn 30m, đường kính 3m, được xác định độ tuổi là khoảng hơn 700, “già” nhất trong những đại thụ của rừng. Theo thông tin từ Vườn quốc gia Cát Tiên, cây gõ này được đặt tên riêng theo tên của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người đã đến thăm cây vào ngày 12/2/1988. Cố Thủ tướng từng khen ngợi rừng xanh tốt và khuyên răn các cán bộ Vườn làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ rừng. Để ghi nhớ điều này đồng thời nhắc nhở các thế hệ sau về trách nhiệm bảo tồn, Vườn quốc gia Cát Tiên đã đặt tên cây gõ đỏ là “cây gõ Bác Đồng”.

“Tắm rừng” Cát Tiên ảnh 8

Cây Kơ-nia sum suê trước Trạm Kiểm lâm Núi Tượng.

“Tắm rừng” Cát Tiên ảnh 9

Nhiều nơi trong rừng, Ban quản lý đặt những tấm biển ghi danh ngôn về tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng.

“Tắm rừng” Cát Tiên ảnh 10

Với hơn 350 loài chim, chiếm gần 50% toàn bộ số loài chim tại Việt Nam, Vườn quốc gia Cát Tiên cũng là “thánh địa” với những nhiếp ảnh gia đam mê chụp ảnh chim, những khoa học gia nghiên cứu chim… từ khắp thế giới.

“Tắm rừng” Cát Tiên ảnh 11

Đứng trước những “cụ cây”, “thần cây” có tuổi thọ vài thế kỷ, thậm chí hơn nửa thiên niên kỷ giữa rừng xanh bạt ngàn, con người có lẽ sẽ cảm thấy mình nhỏ bé biết bao, thấy tâm hồn thư thái, bớt lo âu căng thẳng trước cuộc sống vốn hữu hạn, vô thường.

back to top