Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị. Hội nghị đã thu hút sự quan tâm của hơn 100 đại biểu đến từ đại sứ quán của một số quốc gia tại Việt Nam: Phần Lan, Anh, Pháp, Hà Lan, Thuỵ Sĩ; các tổ chức quốc tế, một số trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ cùng đại diện các vườn quốc gia cả nước.
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, cả nước hiện có 167 khu rừng đặc dụng với tổng diện tích hơn 2,3 triệu ha, trong đó Tổng cục Lâm nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân cấp giao trực tiếp quản lý sáu vườn quốc gia: Ba Vì, Tam Đảo, Cúc Phương, Bạch Mã, Yok Don và Cát Tiên (là những vườn có diện tích rừng nằm trên địa bàn hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên).
Sáu vườn quốc gia này chiếm 26,7% tổng diện tích các vườn quốc gia trên toàn quốc, có nhiều hệ sinh thái rừng quan trọng, đặc trưng cho các hệ sinh thái tự nhiên; là nơi lưu giữ, bảo tồn nguồn gien đa dạng sinh học rất phong phú, quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam; đóng góp quan trọng trong bảo vệ tính nguyên vẹn của hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giáo dục môi trường, nghiên cứu khoa học. Đồng thời, các vườn quốc gia góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái; cải thiện đời sống nhân dân vùng đệm, phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng.
Thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học đã được các vườn xác định là nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được nhiều kết quả. Các vườn quốc gia đã bảo vệ, duy trì, bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái rừng đặc trưng, đa dạng sinh học thông qua tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng; kết hợp với các đợt điều tra, giám sát đa dạng sinh học. Lực lượng kiểm lâm tăng cường xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, nhờ đó các vụ vi phạm pháp luật giảm bình quân 20-25%/năm, Riêng trong năm 2021, các vườn quốc gia đã xử lý 226 vụ vi phạm pháp luật.
Hoạt động cứu hộ, chăm sóc, tái thả động vật rừng được các vườn quốc gia quan tâm, triển khai thực hiện với tổng số cá thể được chăm sóc, nuôi dưỡng là 3.011 cá thể, trong đó số cá thể được tái thả là: 678 cá thể vào tự nhiên, ở những nơi phù hợp với sinh cảnh sống của chúng.
Hoạt động phát triển vùng đệm, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân, cộng đồng vùng đệm được các vườn quốc gia quan tâm, triển khai dưới nhiều hình thức. Cụ thể như: khoán bảo vệ rừng; triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ vùng đệm; du lịch sinh thái có sự tham gia người dân địa phương, chi trả dịch vụ môi trường rừng…
Vườn quốc gia Phú Quốc (Kiên Giang) |
Đánh giá đúng thực trạng và tìm ra các giải pháp để phát huy tiềm năng, thế mạnh và tính đa dụng, đa giá trị của rừng, các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, không chỉ sáu vườn quốc gia trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, mà đối với 167 khu rừng đặc dụng trên cả nước đều có nhiều cơ hội, tiềm năng để phát triển trong tương lai.
Theo đó, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục bảo vệ nguyên vẹn hệ sinh thái rừng đặc trưng, tổ chức thực hiện tốt hoạt động bảo tồn, cứu hộ nuôi dưỡng, tái thả động vật hoang dã, các vườn quốc gia cần tiếp tục đa dạng hoá các sản phẩm du lịch sinh thái và tập trung hoàn thành Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí giai đoạn 2021-2030 các vườn quốc gia. Trên cơ sở đó, tổ chức các dự án du lịch sinh sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo các phương thức phù hợp với tiềm năng, lợi thế và điều kiện thực tế của từng vườn quốc gia, trên cơ sở đặc trưng về vẻ đẹp của cảnh quan tự nhiên, đặc trưng về văn hoá bản địa.
Các vườn quốc gia cần sáng tạo trong hình thức tổ chức để thu hút du khách, kết hợp giữa du lịch và giáo dục môi trường; quản lý tốt các tuyến, điểm tổ chức du lịch sinh thái, nhất là các điểm cho thuê môi trường rừng. Nâng cao hơn nữa công tác xã hội hóa nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động sự hỗ trợ với các hoạt động cứu hộ, nuôi dưỡng, bảo tồn các loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm. Tiếp tục triển khai tốt hoạt động hỗ trợ phát triển đời sống người dân, cộng đồng vùng đệm thông qua khoán bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển canh tác, sản xuất bền vững, bảo đảm hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Vườn quốc gia Ba Vì ( Hà Nội). |
Thông qua hội nghị này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Tổng cục Lâm nghiệp sớm triển khai, xây dựng đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, trong đó sẽ đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các giá trị dịch vụ hệ sinh thái trong môi trường rừng theo hướng đa dụng, đa chức năng để tạo nguồn thu cho các ban quản lý rừng, cộng đồng địa phương. Trong đó, cơ chế tài chính phải tạo được động lực huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội hoá, kích thích tính năng động, sáng tạo của các ban quản lý khu rừng đặc dụng.
Nghiên cứu, sửa đổi bổ sung quy định pháp luật về lâm nghiệp, trong đó chú ý đến hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Đồng thời, yêu cầu các vườn quốc gia chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tiến hành ký kết các quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, nhất là tình trạng lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp. Khẩn trương rà soát nghiêm túc, đồng bộ, đầy đủ, chính xác diện tích rừng, đất lâm nghiệp có chồng lấn, tranh chấp với tổ chức, cá nhân trên địa bàn; đề xuất hướng xử lý để giải quyết dứt điểm, tiến tới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho toàn bộ diện tích quy hoạch cho các vườn quốc gia…