Tầm nhìn mới hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Nguyên

Năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội, chủ yếu trên các lĩnh vực như du lịch; kết nối cung cầu, xúc tiến đầu tư-thương mại; khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; y tế, giáo dục, nông nghiệp…
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên ký kết thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa với các đơn vị phân phối Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên ký kết thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa với các đơn vị phân phối Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ đó, phát huy lợi thế của từng địa phương, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội cho toàn vùng.

Thỏa thuận hợp tác phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai thực hiện các nội dung liên quan, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và mở ra cơ hội mới, tầm nhìn mới.

Hợp tác đi vào thực chất

Tại Hội nghị sơ kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2024 và triển khai kế hoạch hợp tác năm 2025, vừa tổ chức tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan khẳng định, đến nay, quá trình hợp tác phát triển đã đạt được một số kết quả khả quan mở ra cơ hội mới, tầm nhìn mới.

Lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên đều khẳng định việc hợp tác, đầu tư đã có những tác động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh dòng luân chuyển hàng hóa, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân tại các tỉnh thành nói riêng và cả vùng Tây Nguyên nói chung.

Năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong việc triển khai thực hiện các nội dung Bản thỏa thuận hợp tác, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên; các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan đã chủ động trao đổi thông tin, kinh nghiệm; các doanh nghiệp chủ động, tích cực khảo sát, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư kinh doanh tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên.

Có 23 nội dung của hoạt động hợp tác song phương được đồng loạt triển khai. Đây được xem như một bản đồ chi tiết, dẫn đường cho sự hợp tác sâu rộng và thiết thực giữa Thành phố Hồ Chí Minh và từng tỉnh Tây Nguyên trên nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp, khoa học-công nghệ, đến công nghiệp, du lịch và y tế. Các hoạt động đào tạo, chuyển giao công nghệ, xây dựng mô hình, nghiên cứu khoa học và xúc tiến đầu tư đều được chú trọng, hướng đến phát triển bền vững.

Có 6 quận và thành phố Thủ Đức của Thành phố Hồ Chí Minh chủ động ký kết hợp tác triển khai các hoạt động an sinh xã hội với một số huyện, thành phố thuộc các tỉnh Tây Nguyên và đạt nhiều kết quả tốt. Cũng trong năm 2024, hàng chục sự kiện triển lãm, lễ hội, chương trình kết nối cung cầu; hội nghị, hội thảo, tọa đàm cấp vùng, cấp quốc gia được tổ chức mang lại kết quả thiết thực.

Diễn đàn Doanh nghiệp Đức-Việt Nam với chủ đề “Hợp tác vì tăng trưởng xanh Thành phố Hồ Chí Minh” đã hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận các nguồn tài chính xanh và tạo điều kiện kết nối, thúc đẩy hợp tác giao thương giữa doanh nghiệp thành phố mang tên Bác và các tỉnh lân cận, Tây Nguyên, châu Âu.

Tại tuần lễ triển lãm sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của các tỉnh Tây Nguyên, chương trình OCOP Đắk Lắk và Lâm Đồng thu hút hơn 80 doanh nghiệp tham gia, kết nối cung cầu, quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường nông sản với 37 biên bản ghi nhớ (MOU) được ký kết.

Trên lĩnh vực y tế đã triển khai ký kết 5 biên bản ghi nhớ giữa Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và các sở y tế vùng Tây Nguyên. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 4/2024, các tỉnh Tây Nguyên kêu gọi đầu tư vào 558 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 300 nghìn tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp cho biết: “Việc phát triển theo hướng đẩy mạnh liên kết vùng, nội vùng; liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh Tây Nguyên với Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng khác rất quan trọng, góp phần hoàn thành ở mức cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, từ đó tạo sức bật mạnh mẽ”.

Cơ hội mới, tầm nhìn mới

Trên cơ sở những kết quả trong quá trình triển khai các nội dung thỏa thuận hợp tác, đồng chí Võ Văn Hoan cho rằng, hợp tác đã đạt được một số kết quả khả quan, nhưng các địa phương phải tăng cường kết nối, đầu tư để hợp tác đi vào thực chất, lớn mạnh hơn; cùng nhau đối thoại để thật sự tìm ra hướng đi mới, cách tiếp cận mới, từ đó có tầm nhìn mới, hành động mới, tạo ra các kết quả hoạt động hợp tác hiệu quả hơn.

Theo nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Nguyên cần chuẩn bị nhiều quỹ đất đủ lớn, quy hoạch phù hợp để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, định hướng xuất khẩu. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ban Mê Green Farm (Đắk Lắk) Nguyễn Thị Thái Thanh cho biết, Tây Nguyên như một con rồng đang bay lên và khoảng trong 10 năm tới, sẽ đạt được những thành tựu lớn nhờ mảng nông nghiệp; tuy vậy, riêng Tây Nguyên không thể làm được.

“Chúng tôi rất cần doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm đầu tư vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến, hệ thống phân phối…”, bà Thanh nói. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà

kỳ vọng, Đắk Lắk cũng như các tỉnh Tây Nguyên sẽ tìm ra hướng đi mới, tư duy hợp tác mới trong thu hút đầu tư, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản.

Giai đoạn 2023-2025, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Tây Nguyên thống nhất các nội dung cơ bản để triển khai thực hiện trong năm 2025 gồm: Tổ chức sự kiện triển lãm, lễ hội, chương trình kết nối cung cầu, hội chợ; hội nghị, hội thảo, tọa đàm cấp vùng, cấp quốc gia trên một số lĩnh vực; triển khai các nội dung, hoạt động hợp tác song phương; tiếp tục triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực y tế và lĩnh vực an sinh xã hội…

Đồng chí Võ Văn Hoan mong muốn, năm 2025, tất cả doanh nghiệp cùng Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên tham gia tích cực vào hoạt động liên kết, phối hợp.

Thành phố cam kết hỗ trợ tối đa để tiếp tục thực hiện các nội dung hợp tác song phương giữa thành phố với các địa phương. Đồng chí khẳng định, hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên là con đường tốt nhất để vừa mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên tin tưởng, việc phát triển theo hướng đẩy mạnh liên kết vùng, nội vùng; liên kết chặt chẽ với vùng Đông Nam Bộ, duyên hải Trung Bộ và cả nước, mà trung tâm là Thành phố Hồ Chí Minh, đô thị kinh tế, văn hóa lớn nhất cả nước, là quan trọng, cần thiết; góp phần hoàn thành ở mức cao nhất toàn bộ mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị đã đề ra, tạo sức bật mạnh mẽ đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới.