Tai nạn thương tích do pháo nổ tăng trong dịp Tết Nguyên đán

Sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, số ca nhập viện do pháo nổ tăng cao, trong đó nhiều trường hợp chấn thương nặng. Các chuyên gia cảnh báo cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ em chơi với pháo, đồng thời toàn dân cần tuân thủ quy định của pháp luật về việc cấm đốt pháo nổ.
0:00 / 0:00
0:00
Các y sĩ, bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức trao đổi về tình trạng chấn thương do pháo nổ của bệnh nhân. (Ảnh THÁI BÌNH)
Các y sĩ, bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức trao đổi về tình trạng chấn thương do pháo nổ của bệnh nhân. (Ảnh THÁI BÌNH)

Theo thống kê của ngành chức năng, từ ngày 8/2 đến sáng 13/2, các cơ sở y tế trong cả nước đã tiếp nhận 321.219 lượt người bệnh đến khám, điều trị; tăng 30,2% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023. Đáng chú ý, số ca bị tai nạn do pháo nổ, chất nổ tăng hơn 50% so với năm trước.

Chiều mồng 5 Tết (ngày 14/2), Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận một bé gái 5 tuổi, ở huyện Bình Chánh trong tình trạng bàn tay trái bị giập nát, vùng bụng trái tổn thương mô mềm, vùng đùi phải bị bỏng. Các bác sĩ được người thân của bé cho biết, vào chiều mồng 3 Tết, sau khi nhà hàng xóm đốt pháo hoa, bé nhặt một viên pháo đại trên sân, không may pháo phát nổ làm bé bị thương. Mặc dù, người nhà nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện cấp cứu, tuy nhiên, do bàn tay trái bị giập nát, bác sĩ không thể khâu nối và phục hồi nên phải làm mỏm cụt.

Tại một số bệnh viện tuyến trung ương và địa phương cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bị tai nạn thương tích do pháo nổ, nhất là vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Đơn cử, chỉ trong ngày mồng 1 Tết Giáp Thìn (10/2/2024), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận 15 trường hợp bị chấn thương do pháo nổ. Các trường hợp này bị tổn thương ở tay, chân, mắt, nhưng hầu hết bị giập nát bàn tay, nguy cơ phải cắt cụt do hoại tử.

Theo các bác sĩ, người chế tạo pháo thường tiếp xúc gần, nên khi các chất chế tạo pháo phát nổ sẽ bị tổn thương nặng ở vùng mặt, mắt, tay, cổ, ngực. Vết bỏng nặng sẽ gây nhiễm độc và để lại nhiều di chứng. Vùng tổn thương có thể nhanh chóng phù nề, cản trở hô hấp, gây suy hô hấp. Ngoài ra, nạn nhân khi bị bỏng vùng mặt, cổ dễ để lại di chứng thẩm mỹ về sau.

Do những hậu quả nghiêm trọng của pháo nổ đối với sức khỏe, tính mạng của con người và gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, từ ngày 8/8/1994, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 406/CT-TTg về việc cấm sản xuất, buôn lậu và đốt pháo nổ; theo đó, kể từ ngày 1/1/1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa). Ngay sau khi Chính phủ ban hành quy định, nhân dân cả nước đã đồng tình, thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, vẫn còn một số người không chấp hành pháp luật, thực hiện các hành vi vi phạm về pháo nổ, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tình trạng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sản xuất, kinh doanh, sử dụng pháo nổ diễn ra rất phức tạp. Lực lượng chức năng tại nhiều địa phương như: Quảng Trị, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Ninh, Đắk Nông, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Hà Tĩnh… đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp mua bán, tàng trữ, vận chuyển, chế tạo pháo nổ. Đáng lưu ý, nhiều trường hợp là học sinh trung học cơ sở cũng mua bán thuốc pháo, tàng trữ và tự chế pháo nổ theo hướng dẫn từ các video được đăng tải trên mạng xã hội.

Trên các trang mạng xã hội như: YouTube, TikTok vẫn xuất hiện các video hướng dẫn chế tạo pháo nổ, pháo hoa, thu hút hàng nghìn lượt xem và bình luận. Trên “chợ mạng” cũng công khai việc mua bán các tiền chất, vật liệu chế tạo pháo nổ. Việc phổ biến, lan truyền các video hướng dẫn làm pháo nổ trên mạng xã hội đã tác động đến tâm lý thanh, thiếu niên và trẻ em, kích thích sự tò mò của các em, rồi tìm cách thực hiện mà không hiểu rõ hậu quả. Các loại hóa chất, vật dụng chế tạo pháo lại dễ dàng mua bán trên các trang mạng, chợ thương mại điện tử, là nguyên nhân dẫn đến những tai nạn thương tâm xảy ra trong thời gian qua, gây hậu quả lâu dài cho các nạn nhân.

Theo phản ánh của bạn đọc, trong ba ngày Tết, pháo vẫn nổ tại nhiều nơi, nhất là đêm giao thừa và ngày mồng 1. Nhiều gia đình vẫn tổ chức đốt pháo nổ, mặc dù trước đó đại diện gia đình đã ký cam kết với chính quyền và lực lượng chức năng là không đốt pháo nổ. Một số thanh, thiếu niên mang pháo ra đường hoặc đến địa điểm công cộng để đốt pháo.

Để tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật, ngày 27/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo; theo đó, nghiêm cấm hành vi chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo nổ (bao gồm pháo nổ và pháo hoa nổ) là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, khi sử dụng gây ra tiếng nổ (trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng giao theo quy định).

Cùng với việc cấm sử dụng pháo nổ theo quy định của Chính phủ, nhiều địa phương đã tổ chức các điểm bắn pháo hoa để người dân đón giao thừa. Bên cạnh đó, pháp luật cũng cho phép người dân (từ đủ 18 tuổi) sử dụng pháo hoa do các đơn vị, doanh nghiệp được phép sản xuất.

Vì vậy, mọi người dân cần tự giác thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng các loại pháo nổ, để ngăn ngừa những hậu quả nghiêm trọng về tính mạng và tài sản có thể xảy ra, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể cần phát động nhân dân thực hiện nghiêm quy định về phòng chống pháo nổ, đồng thời kiên quyết, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về pháo nổ.

Trong mỗi gia đình, cha mẹ cần thường xuyên nhắc nhở con em mình không tự ý chế tạo, tiếp xúc, sử dụng pháo nổ, tránh gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe. Nhà trường nên tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về nguy cơ và hậu quả của việc tự chế tạo, sử dụng pháo nổ bằng các tài liệu, bài giảng, hoặc chương trình giáo dục trực tuyến; có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý học sinh vi phạm.