Tai nạn tắc đường thở - nguy hiểm đến bất chợt

Ngay cả khi có sự giám sát của người lớn, nhưng do thiếu hiểu biết nên khi tai nạn xảy ra không biết cách xử lý kịp thời đã dẫn đến những đáng tiếc cho trẻ. Bác sĩ Phùng Nam Lâm, Khoa cấp cứu BV Bạch Mai cho biết, có rất nhiều trẻ đến BV cấp cứu do bị dị vật gây ngạt thở: hóc xương, hạt na, đồng xu, cúc áo; sặc thức ăn, sữa, phấn rôm; bị dây thun, dây dù thít cổ... Nếu không được cấp cứu kịp thời thì chỉ sau 3 phút nghẹt thở, trẻ sẽ bị di chứng não suốt đời. Và nghiêm trọng hơn, chỉ 5 phút sau khi nghẽn đường thở, trẻ sẽ bị tử vong.

Các bậc cha mẹ cần lưu y những dấu hiệu cho biết trẻ đang bị tắc đường thở: Trẻ tím tái, ho sặc sụa; trào nước mắt nước mũi, không phát âm hoặc không thể khóc thành tiếng, trẻ phải nắm lấy cổ của mình. Tình hình nguy cấp hơn nếu thấy môi và lưỡi trẻ bắt đầu tím tái và trẻ có thể bất tỉnh nếu vật tắc không lấy được ra. Ngay lúc này, các bậc cha mẹ cần nhanh chóng lấy dị vật ra khỏi mũi, miệng trẻ để làm thông đường thở và áp dụng biện pháp sơ cấp cứu.

Với trẻ sơ sinh: Để trẻ nằm sấp theo dọc cánh tay bạn, đầu trẻ thấp hơn ngực. Một tay đỡ đầu và vai trẻ, tay kia vỗ mạnh vào lưng để dị vật bắn ra ngoài, đừng vỗ mạnh tránh tổn thương trẻ. Nếu bị sặc sữa, bột thì ngậm vào mũi trẻ và hút thật mạnh. Nếu không có hiệu quả trẻ bị bất tỉnh cần hà hơi thổi ngạt miệng - mũi, miệng - miệng cố gắng thổi dị vật làm cản đường thở.

Với trẻ nhỏ: Để trẻ sấp trên đùi bạn, đầu trẻ thấp hơn vai, vỗ nhiều lần vào giữa hai vai trẻ đến khi dị vật bắn ra ngoài. Nếu trẻ bất tỉnh, làm hô hấp nhân tạo.

Với trẻ lớn: Bảo trẻ cúi người ra trước, đầu thấp hơn ngực, lấy tay móc miệng để nôn dị vật ra. Nếu trẻ không thể ho và vật cản tắc đường thở, dùng gốc bàn tay vỗ mạnh vài lần giữa hai bên xương sườn trẻ, rồi đột ngột thúc ngược nắm tay ra sau và hướng lên trên, vật lạ sẽ bị đẩy lên miệng khiến trẻ ho ra được. Bạn có thể luân phiên vỗ phía sau lưng và ấn phía dưới bụng của trẻ. Nếu trẻ bị bất tỉnh, hà hơi thổi ngạt như trên. Nếu dị vật vẫn không ra khỏi đường thở, chuyển ngay trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.

Các biện pháp phòng ngừa trẻ bị hóc, nghẽn, tắc đường thở:

- Để xa tầm tay của trẻ các vật nhỏ như kim băng, đồng xu, hạt trái cây và các vật nhỏ dễ cho vào mũi, miệng.

- Chỉ cho trẻ chơi những đồ chơi có đường kính lớn hơn 5cm.

- Cho trẻ ăn thức ăn nghiền nát, không lẫn xương, lẫn hạt và ăn từng ít một; tạo thói quen nhai chậm, nhai kỹ cho trẻ.

- Khi cho trẻ ăn cơm, ăn bột không để đầu trẻ ngả về phía sau. Tránh cho trẻ vừa ăn vừa chơi đùa khiến thức ăn lọt vào đường thở gây hóc nghẹn.

- Cho trẻ ngủ trên đệm cứng, nằm nghiêng hoặc ngửa; không để các vật dễ gây ngạt đường thở như túi nylon, báo, gối, chăn, đệm quá êm gần chỗ trẻ nằm.

- Không mặc các loại áo yếm có dây vòng qua cổ cho trẻ nếu không có người lớn trông trẻ.

- Đối với trẻ lớn hơn trên 6 tuổi: nhắc trẻ không được vừa ăn uống vừa cười đùa, chạy nhảy.