Tái hiện huyền tích về sự ra đời của vua Lý Thái Tổ trên sân khấu cải lương

NDO - Sâu lắng, xúc động, kịch tính, hấp dẫn, giàu màu sắc huyền thoại và giá trị nhân văn… đó là những dấu ấn mà vở cải lương “Huyền thoại Gò Rồng Ấp” để lại trong lòng khán giả. Đây là tác phẩm sân khấu vừa được Nhà hát Cải lương Việt Nam ra mắt với diễn xuất của các nghệ sĩ thuộc Đoàn Cải lương thể nghiệm.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong vở diễn Huyền thoại Gò Rồng Ấp.
Cảnh trong vở diễn Huyền thoại Gò Rồng Ấp.

“Huyền thoại Gò Rồng Ấp” được Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên dàn dựng dựa trên kịch bản của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ; chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt; âm nhạc nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Anh Tú; thiết kế mỹ thuật: nghệ sĩ ưu tú Doãn Bằng; biên đạo múa Thành Trung; phục trang nghệ sĩ Ưu tú Minh Hùng.

Khai thác đề tài về vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn)-vị hoàng đế khai quốc của triều Lý, song vở diễn không đi sâu phản ánh việc điều hành triều chính mà tập trung lý giải về sự ra đời của vua Lý Thái Tổ dựa trên những huyền tích dân gian để khẳng định chính hồn thiêng sông núi, linh khí đất trời đã hội tụ tinh anh để sinh ra người con kiệt xuất Lý Công Uẩn, người xây dựng nên triều Lý huy hoàng, khởi đầu cho những triều đại phong kiến tập quyền nối tiếp nhau phát triển làm nên nền văn minh Đại Việt rực rỡ.

Tái hiện huyền tích về sự ra đời của vua Lý Thái Tổ trên sân khấu cải lương ảnh 1

Cảnh trong vở diễn.

Câu chuyện xuất phát từ Gò Rồng Ấp, nơi có mộ phần cha mẹ của Phạm Thị Ngà-người con gái ở xóm Long Châu, hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, vốn là người giúp việc ở chùa Tiêu do sư Vạn Hạnh trụ trì. Gò Rồng Ấp cũng là nơi được tiên tri có huyệt đất thiêng, nơi sẽ phát mệnh đế vương nên con cháu nhà họ Phạm ắt làm nên nghiệp lớn...

Một hôm, khi đi qua lễ hội dân gian đậm tính phồn thực của địa phương, Thị Ngà trở về bỗng thụ thai. Biết được về lời tiên tri, gia đình phú hộ Hồng Kỳ ở cùng hương Diên Uẩn vì lòng tham vô độ đã bốc mả cha mình đem táng ở Gò Rồng Ấp với mong muốn con cháu mình sẽ được làm vua; đồng thời tìm đủ mọi cách hãm hại mẹ con Thị Ngà. Nhờ sự giúp đỡ của đất trời, của sư Vạn Hạnh và bà con chung quanh, Thị Ngà đã may mắn vượt qua kiếp nạn để sinh con. Khi con chào đời cũng là lúc Thị Ngà qua đời. Đứa bé sau trở thành vua Lý Công Uẩn, người có công khai sáng kinh đô Thăng Long.

Cũng chính kịch bản này từng được nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên dàn dựng cho Sân khấu Lệ Ngọc bằng ngôn ngữ kịch nói. Tuy nhiên, điều thú vị là đạo diễn đã không lặp lại chính mình. Mỗi phiên bản đều cuốn hút người xem theo cách rất riêng. Nếu bản diễn kịch nói trước đây được thể hiện bằng sân khấu thiết kế tối giản, giàu tính hiện thực, thì bản diễn cải lương là sự đan cài khéo léo của sân khấu truyền thống và nghệ thuật đương đại, với nhiều mảng miếng mang tính thể nghiệm và có tính giải trí cao.

Theo dõi vở diễn, có nhiều chi tiết tạo nên xúc động sâu lắng nơi người xem, như cảnh gặp gỡ trong mơ giữa Thị Ngà và vua Lý Công Uẩn thuở nhỏ, giữa sư Vạn Hạnh và vua Lý Công Uẩn thuở nhỏ, cảnh Cáy ăn bánh tẩm thuốc độc, hay cảnh cậu ấm Hồng Tâm chủ động để hổ vồ ở Gò Rồng Ấp… Những cảnh diễn ấy kết hợp nhiều chi tiết hài hước, gây cười nhẹ nhàng khiến mạch diễn trở nên đầy tự nhiên, dễ tiếp thụ.

Ở vở cải lương “Huyền thoại Gò Rồng Ấp”, đạo diễn khai thác triệt để khía cạnh biểu diễn thể hiện tâm lý nhân vật. Khán giả được thưởng thức một vở diễn có sự kết hợp, biến hóa linh hoạt của các yếu tố kịch, ngôn ngữ hình thể và ca cải lương. Đặc biệt, thủ pháp ước lệ không gian, thời gian của sân khấu tự sự phương Đông đã được vận dụng khéo léo để tạo nên không gian đậm chất huyền thoại, cổ tích với những phong tục tập quán đặc sắc của người Việt cổ cùng sự phát triển của Phật giáo.

Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên chia sẻ, sự ra đời của vua Lý Công Uẩn mang màu sắc huyền thoại và gắn liền nhiều huyền tích dân gian. Vì thế, anh mong muốn có thể lý giải thấu đáo điều gì đã làm nên Lý Công Uẩn, vị vua khai sáng nên một triều đại để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử.

Làm nên sức hấp dẫn của vở diễn có phần đóng góp lớn của mỹ thuật sân khấu. Thiết kế linh hoạt với hình ảnh ụ đất khi đóng lại thành Gò Rồng Ấp, khi mở ra thành không gian của lễ hội, không gian nhà chùa, không gian nhà phú hộ… kết hợp sự dụng công đầu tư cho phục trang, âm nhạc và sự tham gia của ngôn ngữ múa đã mang đến nhiều ấn tượng thị giác hấp dẫn cho người xem và tạo nhiều cảm hứng để diễn viên thăng hoa trên sân khấu.

Tái hiện huyền tích về sự ra đời của vua Lý Thái Tổ trên sân khấu cải lương ảnh 2

Cảnh trong vở diễn.

Điều thú vị là không chỉ tập trung làm nổi bật vai diễn của những nhân vật chính, “Huyền thoại Gò Rồng Ấp” còn dành nhiều đất diễn cho cả những nhân vật phụ. Nhờ đó, từ Phạm Thị Ngà (nghệ sĩ Minh Nguyệt), thiền sư Vạn Hạnh (nghệ sĩ Ưu tú Quang Khải); phú hộ Hồng Kỳ (nghệ sĩ Xuân Thông), bà phú hộ Hồng Đào (nghệ sĩ Thiên Kiều), Thị Nhài (nghệ sĩ Ngọc Linh), cậu ấm Hồng Tâm (nghệ sĩ Tuấn Thịnh) cho đến các nhân vật như bà cố (nghệ sĩ Lệ Hằng), thằng Cua (nghệ sĩ Trần Cường), con Cáy (nghệ sĩ Thu Hiền), hình tượng tuổi thơ Lý Công Uẩn (bé Khánh Toàn)… đều “khoe” được khả năng diễn xuất giàu nội lực.

Tác giả kịch bản, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ cho biết, ông cảm thấy hài lòng với cả hai bản diễn kịch nói và cải lương do nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên dàn dựng. Một kịch bản văn học hóa thân trong hai loại hình nghệ thuật nhưng đều thể hiện được nội dung tư tưởng và ý đồ của tác giả. Sự đổi mới trong hình thức thể hiện đã tạo nên sự tươi mới cho từng tác phẩm cũng như góc nhìn từ một kịch bản văn học.

Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên cho biết, sau khi tham gia liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc năm 2022 dự kiến diễn ra vào tháng 11, Nhà hát Cải lương Việt Nam sẽ mang vở cải lương "Huyền thoại gò Rồng Ấp" phục vụ các lễ hội đầu năm 2023.