Huyền thoại Gò Rồng Ấp

Sau thành công của vở Tấm Cám với nhiều đêm diễn "cháy" vé, mới đây, Sân khấu Lệ Ngọc lại vừa ra mắt vở diễn Huyền thoại Gò Rồng Ấp. Vở kịch lịch sử này tiếp tục mang đến nhiều bất ngờ cho khán giả trong cách dàn dựng cũng như cách gửi gắm những thông điệp giàu giá trị nhân văn.

Một cảnh trong vở “Huyền thoại Gò Rồng Ấp”.
Một cảnh trong vở “Huyền thoại Gò Rồng Ấp”.

Khai thác mảng đề tài về vua Lý Công Uẩn - vị hoàng đế khai quốc triều Lý, một triều đại phát triển rực rỡ "võ công, văn trị" trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, song PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, tác giả kịch bản Huyền thoại Gò Rồng Ấp lại không đề cập chuyện điều hành triều Lý như thế nào mà tập trung khai thác về sự ra đời của Lý Công Uẩn dựa trên những huyền tích lưu truyền trong dân gian. Theo đó, vở diễn xoay quanh hình tượng trung tâm là Phạm Thị Ngà, người con gái ở xóm Long Châu, hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, vốn là người giúp việc ở chùa Tiêu - nơi sư Vạn Hạnh trụ trì.

Thị Ngà mồ côi cha mẹ, phần mộ bố mẹ cô được hai anh em sư Vạn Hạnh và Khánh Văn đưa đến táng ở Gò Rồng Ấp, nơi tương truyền có huyệt đất thiêng. Một hôm, Thị Ngà đi qua lễ hội Nõ - Nường, lễ hội dân gian đậm tính phồn thực của người Việt cổ. Bỗng trời đất giao hòa, âm dương giao cảm, Thị Ngà trở về thấy trong người khác lạ, biết là đã mang thai. Thiền sư Thiền Ông, sư phụ của Vạn Hạnh vốn có tài thông thiên đã viết một bài kệ tiên tri ngụ ý tháng mười năm Kỷ Dậu, tức 36 năm sau, một triều đại lẫy lừng sẽ hiển hiện, đó là triều Lý. Gò Rồng Ấp là nơi phát mệnh đế vương, hiện có mộ phần gia tiên họ Phạm nên con cháu nhà ấy ắt làm nên nghiệp lớn...

Biết chuyện, một phú hộ cùng hương Diên Uẩn có lòng tham vô độ đã bốc mả cha mình lên táng ở Gò Rồng Ấp với hy vọng người trong họ sẽ làm nên nghiệp đế, đồng thời tìm mọi cách hãm hại Thị Ngà cùng bào thai trong bụng. Nhận được sự giúp đỡ, Thị Ngà may mắn vượt qua kiếp nạn, sinh con trước cổng chùa Cổ Pháp - nơi sư Khánh Văn trụ trì, sau đó qua đời. Ðứa bé được sư Khánh Văn mang về nuôi nấng, đó là Lý Công Uẩn, sau này trở thành hoàng đế triều Lý, tạo dựng kinh đô Thăng Long nghìn năm rực rỡ. Từ đây, Huyền thoại Gò Rồng Ấp chở đi thông điệp sâu sắc: Cõi đất, khoảng trời nước Nam là nơi địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ linh khí ngàn đời để sản sinh những vĩ nhân mang thiên mệnh làm rạng danh nòi giống, tổ tiên. Bên cạnh tôn vinh giá trị lịch sử, vở diễn cũng làm sáng bừng vẻ đẹp của tình mẫu tử, khẳng định cái ác, cái xấu sẽ luôn phải lùi bước trước cái chân, cái thiện, lòng nhân ái và tình yêu thương vô bờ bến...

Ðiều thú vị là kịch bản kịch nói này lại được đặt vào tay đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên - người vốn gắn bó và có sở trường dựng các tác phẩm cải lương. Chính việc "chọn mặt gửi vàng" đầy chủ ý này đã đem đến những sắc màu mới cho vở diễn với sự kết hợp độc đáo giữa sân khấu truyền thống và hiện đại. Ðiều này càng trở nên hợp lý khi dàn dựng một kịch bản dân gian nhiều màu sắc thần tích như Huyền thoại Gò Rồng Ấp. Ðúng như nhận định của PGS, TS nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái: Vở diễn là sự kết hợp hai phương pháp sân khấu hiện thực và biểu hiện.

Thủ pháp ước lệ không gian, thời gian của sân khấu tự sự phương Ðông đã được đưa vào hợp lý để tạo nên một vũ trụ đậm chất huyền thoại, cổ tích. Ở đó, người xem được trở về với văn minh châu thổ sông Hồng qua những phong tục tập quán đặc sắc của người Việt cổ, cùng tín ngưỡng phồn thực bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo... Phần âm nhạc của vở diễn mang âm hưởng chủ đạo là nhạc dân tộc phảng phất phong vị chèo. Ngay cả thiết kế mỹ thuật sân khấu cũng được họa sĩ, NSƯT Doãn Bằng tối giản hết mức với tạo hình những màn khói mây bảng lảng thiên về tả ý để đưa người xem lạc vào không gian huyền tích, huyền ảo.

Theo dõi Huyền thoại Gò Rồng Ấp, có những cảnh diễn gây nhiều cảm xúc cho khán giả như: cảnh những đứa trẻ bất chấp hiểm nguy cứu người vô tội, cảnh cậu ấm sứt sẵn sàng lao vào miệng cọp để chết thay cho Thị Ngà... Và đắt nhất có lẽ là chi tiết Thị Ngà dùng mảnh sành tự cứa vào bụng mình để lấy con ra vì đã cạn lực, không còn sức đẻ, để rồi khi con cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc người mẹ lìa xa dương thế...

Khai thác những mâu thuẫn, xung đột, thể hiện các mưu đồ hiểm ác để giành đế vị, vở diễn càng làm nổi bật vẻ đẹp lấp lánh của tính nhân văn, lòng nhân ái nơi con người trong hoạn nạn. Bên cạnh đó, ê-kíp sáng tạo cũng mang đến nhiều bất ngờ cho người xem khi tạo ra sự hoán đổi thú vị ở một số vai diễn: để những diễn viên trẻ đóng vai già và diễn viên già đóng vai trẻ. Ðáng ngạc nhiên nhất là vai diễn Thị Ngà do NSND Lệ Ngọc thủ vai. Bà đã ngoài 60 tuổi, lại vốn quen mặt với những vai phản diện, lẳng lơ, độc ác, giờ hóa thân thành cô gái tuổi đôi mươi nhu mì, hiền thục. Thử thách này đã mang đến những sắc màu mới lạ cho vở diễn, cũng là dịp để các nghệ sĩ của Sân khấu Lệ Ngọc có thể phát huy khả năng diễn đa dạng, đa phong cách. Diễn xuất của những tài năng nhí trong vai Cậu ấm sứt hay Lý Công Uẩn hồi nhỏ cũng khiến khán giả trầm trồ với lối diễn xuất tự nhiên, chân thực...

Huyền thoại Gò Rồng Ấp dự kiến sẽ được Sân khấu Lệ Ngọc mang đi tham dự Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm năm 2019.