Sáng 29/6, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với 454/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 93,42% tổng số đại biểu Quốc hội.
Về độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, trước mắt Chính phủ đề xuất với Quốc hội giảm từ 80 xuống 75 tuổi và sẽ tiếp tục giảm dần, tiến tới tiệm cận tuổi nghỉ hưu.
Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với việc điều chỉnh giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống 75 tuổi đối với công dân Việt Nam không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác.
Chính phủ cơ bản thống nhất đối với các vấn đề trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) như: Giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi; mở rộng nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc...
Theo thống kê, tính đến tháng 4/2021, dân số Việt Nam đạt 98,2 triệu người, trong đó có 12,5 triệu người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên (12,8%); 8,1 triệu người từ 65 tuổi trở lên (8,3%); và gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên (2%). Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, với tỷ lệ người cao tuổi chiếm 10% dân số và dự báo đến năm 2036 sẽ chuyển sang dân số già (tỷ lệ người cao tuổi đạt hơn 20%), quá trình già hóa này đang ngắn hơn rất nhiều so với các nước khác.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tập trung vào 5 nhóm chính sách lớn. Trong đó, có 10 nội dung thay đổi chính so với Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.