Tháng 10 năm ngoái, WTO nhận định nhu cầu hàng hóa thế giới sẽ tăng chậm lại vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, việc biến thể mới Omicron xuất hiện vào cuối tháng 11 đã dẫn đến các nước áp đặt hạn chế đi lại.
Chuyên gia kinh tế trưởng của WTO, ông Robert Koopman cho biết, người tiêu dùng sau đó tiếp tục chi tiêu nhiều vào hàng hóa hơn là dịch vụ, do không thể hoặc không muốn đi ăn ngoài hoặc đi nghỉ do các hạn chế đi lại.
Theo ông Koopman, đối với thương mại hàng hóa, nhu cầu tăng cao góp phần dẫn đến tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong đó, những đứt gãy này được nhìn thấy rõ ràng hơn trong lĩnh vực ô-tô, hoặc đối với các nhà cung cấp đang chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, Malaysia hoặc Indonesia.
Chuyên gia của WTO cũng cho biết, các chỉ số quan trọng về thương mại tại Mỹ, như lượng hàng tồn tại cảng và giá ô-tô qua sử dụng đang giảm dần, trong khi lượng hàng hóa thông quan tại các cảng tăng lên.
Trong bối cảnh dòng chảy thương mại được cải thiện, ông Koopman cho rằng, trong 3 hoặc 4 tháng tới, áp lực lạm phát sẽ giảm bớt, nếu không có cú sốc địa chính trị hoặc khủng hoảng y tế mới nào xảy ra.
Vào tháng 3 tới, WTO sẽ mời các đại diện chính phủ, doanh nghiệp và các chuyên gia thương mại thế giới thảo luận về các vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Koopman cho biết, ngay cả khi các vấn đề đã dịu bớt vào thời điểm đó, vẫn có những bài học cần được rút ra.
Theo đó, các phản ứng trong chính sách tài khóa và tiền tệ được đưa ra rất nhanh, song các chuỗi cung ứng, dù được điều chỉnh trong thời gian dài, lại không có cơ sở hạ tầng vật lý hoặc quy định phù hợp để thích ứng nhanh như vậy.