Tái sinh những nhà máy cũ
282 Workshop (ngõ 156, phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) là một không gian sáng tạo đa chức năng bao gồm: không gian vui chơi, không gian sản xuất, không gian triển lãm, không gian tương tác và không gian workshop. Tại 282 Workshop, trẻ con có thể nô đùa, người thích đọc có thư viện sách kiến trúc nghệ thuật, nghệ sĩ có thể tổ chức triển lãm, talkshow; sinh viên có thể tổ chức các workshop làm gốm, làm gỗ...
Ít ai ngờ rằng, trước khi có một không gian tĩnh lặng, xanh tươi và đẹp đẽ trên diện tích 3.200 m2 như hiện tại, nơi đây đã từng là những đống hoang phế, đầy rác thải và ô nhiễm của nhà máy mũ cối cũ. Một số dấu ấn của nhà máy cũ vẫn hiện hữu trong những chi tiết nội thất của Workshop. Chính điều này đã khiến 282 Workshop vừa là nơi lưu giữ ký ức vừa là nơi ươm mầm cho những sáng tạo mới. Tuy mới nhưng 282 Workshop cũng đã kịp kết nối khá nhiều bạn trẻ cùng đam mê sáng tạo, kiến trúc…và cũng đã được một số nghệ sĩ, nhóm cộng đồng tin tưởng lựa chọn tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, triển lãm.
Ra đời trước 282 Workshop, không gian Complex 01 (Tây Sơn, Hà Nội) cũng là một tổ hợp sáng tạo mới được xây dựng trên nền một nhà máy in cũ (Nhà máy in Công đoàn), nằm xen kẽ trong một ngõ nhỏ. Complex 01 mang một vẻ bụi bặm, thô ráp khác biệt nhưng đầy cá tính với những bức tường gạch đỏ, những bậc thang kim loại gỉ sét. Tấm băng rôn của nhà máy cũ treo khẩu hiệu: “Máy in màu số 2 phấn đấu vượt chỉ tiêu sản lượng 35.000 tờ in/ca” gợi nhớ những ký ức. Tại Complex 01, đã diễn ra một số hoạt động văn hóa đáng chú ý như: triển lãm các mô hình đồ chơi “In Imagined World I”; “Mơ Concert” của Ru9 - The Sleep Company; hội thảo “Kịch cho tâm hồn”; đêm nhạc “Open Mic: Hà Nội qua lăng kính người trẻ” hay tour khám phá nghệ thuật “Art for You”.
Một nhà máy cũ được tái sinh, một sân chơi văn hóa sáng tạo mới ra đời, đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu của những người tìm kiếm những giá trị mới. Thực tế, Hà Nội hiện có hơn 100 nhà máy cũ với diện tích khá lớn thuộc diện di dời khỏi nội đô như: Nhà máy bia Hà Nội, Nhà máy Điện Thông, tổ hợp ba nhà máy Cao – Xà – Lá (Nhà máy Cao su Sao vàng, Nhà máy Xà phòng Hà Nội và Nhà máy Thuốc lá Thăng Long), Nhà máy xe lửa Gia Lâm… Tuy nhiên, đáng tiếc là chưa có nhiều nhà máy cũ được “tái sinh” theo cách này. Về lâu dài, đây sẽ là một hướng đi bền vững, phù hợp mục tiêu xây dựng thành phố sáng tạo của Hà Nội.
Gìn giữ và phát huy di sản công nghiệp
Trên thế giới, có nhiều mô hình biến những nhà máy cũ thành những tổ hợp sáng tạo nghệ thuật và thu lợi nhuận rất thành công. Có thể kể đến 798 Art Zone, tại ngoại ô Bắc Kinh, Trung Quốc. Từ một khu liên hợp nhà máy với tổng diện tích 60 ha được xây dựng thành một tổ hợp văn hóa nghệ thuật hấp dẫn. Từ khi mở cửa đến nay, 789 Art Zone đã thu hút hơn 75 triệu khách và là nơi diễn ra các sự kiện văn hoá quốc tế và quốc gia có quy mô lớn như: Liên hoan phim quốc tế Bắc Kinh, tuần lễ thiết kế Bắc Kinh…
Một thí dụ khác là Công viên Văn hóa sáng tạo Songsan (Songsan Creative Park) tại Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc). Từ khuôn viên và các công trình của nhà máy thuốc lá Matsuyama (Tobacco Plant) được người Nhật Bản xây dựng từ năm 1937, chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) đã chuyển đổi thành một khu liên hợp sáng tạo đa ngành và không gian công cộng. Theo đó, Songsan bao gồm một bảo tàng lịch sử nhà máy, một bảo tàng thiết kế, các không gian thương mại, dịch vụ dành cho các doanh nghiệp sáng tạo vừa và nhỏ, các không gian trưng bày, triển lãm, các không gian công cộng…
Hà Nội là một đô thị với bề dày truyền thống cùng một khối di sản công nghiệp đa dạng. Theo kiến trúc sư Mai Hưng Trung, một đô thị nguyên bản và truyền thống là một đô thi thường xuyên vận động, chuyển đổi trên nền tảng những gì đã có chứ không phải một thành phố bảo tàng, càng không phải là một sự xóa sổ hay đứt gãy hoàn toàn với quá khứ. Việc chuyển đổi nhà máy cũ thành không gian sáng tạo kết hợp không gian văn hóa công cộng sẽ giúp Hà Nội vừa vận động, phát triển vừa kết nối và lưu giữ ký ức. Đây còn là cơ hội vàng để phát triển cơ sở hạ tầng cho mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội bởi các không gian công cộng chính là một trong những hạ tầng thiết yếu của công nghiệp văn hóa.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia về kiến trúc, việc chuyển đổi này sẽ vừa góp phần thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo vừa là một phương án giữ gìn và phát huy hiệu quả những di sản công nghiệp. Thành công của Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (xây dựng trên nền Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo) hay bước đầu “tìm được đường” của 282 Workshop và 01 Compex Tây Sơn là những tín hiệu đáng mừng, góp phần định hình bản sắc của một thành phố sáng tạo trong tương lai!