Sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn của Tuyên ngôn Độc lập

NDO -

Ngày 1-9, tại Hà Nội, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật phối hợp Viện Hồ Chí Minh và Các lãnh tụ của Đảng (thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học "75 năm bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Tham dự Hội thảo có đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu chính trị uy tín.

Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Qua gần 40 tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung phân tích, đánh giá, làm sáng tỏ những giá trị của bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. Tuyên ngôn Độc lập có độ dài hơn 1.000 chữ, do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo, là sự khẳng định thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam.

Các ý kiến phát biểu nhấn mạnh, Tuyên ngôn Độc lập đã kế thừa những thành tựu của văn minh nhân loại, tiếp cận quyền dân tộc từ quyền con người, trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Trên cơ sở khẳng định quyền tự nhiên, cơ bản của con người, Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định các dân tộc có quyền được hưởng độc lập, tự do và hạnh phúc. Tuyên ngôn Độc lập cũng là bản cáo trạng đanh thép đối với chính sách tàn bạo của chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam. Dân tộc Việt Nam đã đứng lên đấu tranh giành độc lập, đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm để xây dựng nước Việt Nam độc lập, đánh đổ chế độ quân chủ mấy chục thế kỷ để lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa. Bản Tuyên ngôn Độc lập đưa ra quyết định dứt khoát, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.

Tuyên ngôn Độc lập là sự kết tinh và thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhờ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân trên phạm vi cả nước, xây dựng nền dân chủ cộng hòa. Tuyên ngôn Độc lập cũng thể hiện rõ giá trị nhân văn sâu sắc; định hướng xây dựng nhà nước kiểu mới ở Việt Nam - nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tuyên ngôn độc lập thể hiện khát vọng và quyết tâm bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng đã đạt được, tuyên bố mạnh mẽ với thế giới: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu dự Hội thảo chỉ rõ, Tuyên ngôn Độc lập đã đúc kết và và nâng sức mạnh truyền thống dân tộc lên một tầm cao mới, tạo sức mạnh, động lực cho dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành và giữ vững độc lập dân tộc. Tuyên ngôn Độc lập là một bản tổng kết giá trị cao quý về quyền con người, quyền của các dân tộc trên thế giới; là cơ sở công pháp quốc tế, chân lý của nhân loại. Bản Tuyên ngôn Độc lập kết tinh và thể hiện sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, đạo đức và nhân cách Hồ Chí Minh.

75 năm đã trôi qua, Tuyên ngôn Độc lập vẫn mang sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn, là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.

75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9