Sức mạnh của các phong trào thi đua ở Thành phố mang tên Bác

Thi đua yêu nước từ lâu đã trở thành truyền thống quý báu của Thành phố Hồ Chí Minh. Dù trong thời kỳ nào, truyền thống tốt đẹp ấy vẫn luôn được phát huy, lan tỏa, trở thành động lực to lớn để Thành phố mang tên Bác phát triển, vươn xa.
0:00 / 0:00
0:00
Phát triển du lịch ở ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ - một trong những sản phẩm du lịch quận, huyện độc đáo của Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát triển du lịch ở ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ - một trong những sản phẩm du lịch quận, huyện độc đáo của Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi vượt qua đại dịch Covid-19 năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng triển khai Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội. Chính trong thời điểm khó khăn ấy, các phong trào thi đua yêu nước đã tạo ra sức mạnh, cổ vũ, động viên cán bộ, nhân dân hăng say lao động, không ngừng đổi mới, sáng tạo để nhanh chóng đưa thành phố trở lại vị thế dẫn đầu.

Phong trào thi đua ngày càng khởi sắc

Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm phục hồi kinh tế-xã hội sau tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, kiến tạo nền tảng để thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm (2021-2025). Trong bối cảnh cực kỳ khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19 và sự biến động phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra chủ đề thực hiện phong trào thi đua năm 2022 “Thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Thành phố tập trung ban hành các chính sách hỗ trợ, khẩn trương triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thành phố giai đoạn 2022-2025 gắn với kiểm soát dịch Covid-19, là nền tảng quan trọng để mở cửa phát triển kinh tế-xã hội, đưa đời sống người dân trở lại trạng thái bình thường ngay từ đầu năm.

Việc kiểm soát tốt các loại dịch bệnh đã tạo điều kiện cho các ban, ngành nỗ lực thi đua để sớm “vực dậy” thành phố. Ngành du lịch là một trong những ngành bứt phá mạnh mẽ nhất của thành phố sau khi khống chế thành công Covid. Các chương trình quảng bá du lịch thành phố là điểm đến “an toàn-hấp dẫn-thân thiện” đều được thực hiện một cách quy mô, hấp dẫn, đã thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước đến với thành phố.

Song song với những hoạt động thường niên đã trở thành thương hiệu của Thành phố Hồ Chí Minh như: Lễ hội Áo dài, Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh,… ngành du lịch thành phố không ngừng sáng tạo để đưa ra các sản phẩm mới, độc đáo nhằm tăng sức “nóng” cho hoạt động du lịch trên địa bàn. Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, một trong những hoạt động ấn tượng nhất của ngành du lịch thành phố trong năm 2022 chính là ra mắt chương trình “Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng”, nhằm “đánh thức” tiềm năng du lịch phong phú của thành phố.

Chương trình đã khởi xướng cho một trào lưu về trải nghiệm, khám phá du lịch thành phố với bao điều mới lạ; tạo nên bức tranh du lịch sống động với hơn 60 sản phẩm du lịch, trong đó 30 sản phẩm du lịch mới của các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Cùng với nhiều chương trình được triển khai đồng loạt khác, năm 2022 ngành du lịch thành phố đã đón hơn 35 triệu lượt khách trong nước và quốc tế, doanh thu hơn 100 nghìn tỷ đồng, tạo đà cho sự khởi sắc của ngành trong những năm tiếp theo.

Có thể nói, những kết quả đạt được trong năm 2022 có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương, thành phố phát động. Từ đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động đề ra, xác định các chương trình, chủ đề thi đua, hành động phù hợp chức năng, nhiệm vụ chính trị được giao.

Các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động như: phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”; phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”… đến các phong trào thi đua do thành phố phát động là nội dung, tiêu chí trọng tâm của phong trào thi đua của các sở, ban, ngành, quận, huyện và được cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tham gia hưởng ứng, đạt được kết quả tích cực. Điều đó cho thấy, các phong trào thi đua yêu nước năm 2022 ở thành phố ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, phong phú trên cơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị.

Tiếp tục phát huy truyền thống thi đua

Thành phố bước vào năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức khi mức tăng trưởng kinh tế trong những tháng đầu năm còn thấp, cần phải sớm tìm ra những giải pháp để nhanh chóng phục hồi. Chính thời điểm gian khó ấy, các phong trào thi đua yêu nước cần phải được phát động, triển khai mạnh mẽ nhằm khơi dậy sức mạnh nội sinh, phát huy truyền thống sáng tạo của tầng lớp nhân dân để cùng nhau đưa thành phố vượt qua những trở ngại.

Chủ tịch Ủy ban nhân Thành phố Hồ Chí Minh, Phan Văn Mãi cho biết, thực hiện phong trào thi đua yêu nước năm 2023, từng ngành, địa phương và mỗi cán bộ công chức, viên chức phát huy sáng tạo, thực hiện có kết quả chủ đề năm; tạo sự chuyển biến trong nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư. Phong trào thi đua phải gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra trong năm 2023, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa XI.

Đặc biệt, trong năm 2023, thành phố đã phát động phong trào thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) lan tỏa từ thành phố đến các quận, huyện, phường, xã, với nhiều công trình, mô hình thiết thực đã được đăng ký thực hiện.

Thành phố đang có một hành trang quan trọng đó là Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết số 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển vùng Đông Nam Bộ và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2030-2045. Quốc hội cũng đang xem xét một nghị quyết mới về cơ chế vượt trội, cơ chế thí điểm cho thành phố thay thế cho Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội.

Đây là điều kiện để thành phố tháo gỡ những nút thắt để phát triển mạnh mẽ hơn, vươn xa hơn. Chính vì thế, để triển khai các nghị quyết nêu trên một cách hiệu quả, thành phố cần đưa vào nhiệm vụ thi đua cụ thể để tăng cường kết nối thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Bộ Chính trị đã giao, đem lại những kết quả thiết thực, góp phần phát triển vùng Đông Nam Bộ mà trọng tâm hạt nhân là Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh gợi ý thành phố cần phải tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong hệ thống chính trị và nhân dân để nâng cao nhận thức, vị trí, vai trò, mục tiêu, nhiệm vụ, qua đó khơi dậy lòng tự hào về truyền thống cách mạng, năng động, sáng tạo, đi đầu đổi mới với khí thế và niềm tin mới.

Các cấp, các ngành, các đơn vị phải quan tâm hơn nữa để cho phong trào ngày càng lan rộng, chất lượng hơn, thiết thực hơn, trở thành động lực trong đời sống xã hội. Các đơn vị phải thường xuyên đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông gương người tốt, việc tốt, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Phong trào thi đua phải đi vào trọng tâm, có những đột phá, lấy hiệu quả của công tác thi đua là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá hoàn thành nhiệm vụ, tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, để làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, trước hết chúng ta phải thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, đưa công tác thi đua trở thành công việc hằng ngày của mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị, địa bàn dân cư. Mọi người không phân biệt ngành nghề, giới tính, thành phần dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, ai cũng hăng hái thi đua, tham gia làm đúng và làm tốt nhiệm vụ của mình. Ai cũng hăng hái tham gia phong trào thi đua yêu nước thì tự nó sẽ trở thành động lực xã hội to lớn. Phong trào thi đua mỗi tập thể, cá nhân luôn luôn phải được đổi mới, nỗ lực tiến bộ từng ngày để giữ vững và phát huy truyền thống thi đua.

Với đặc tính năng động, sáng tạo được đúc kết qua nhiều giai đoạn lịch sử, phong trào thi đua yêu nước ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công, mang lại hiệu quả thực chất hơn.

Từ đó, phong trào sẽ góp phần khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, biến khát vọng vươn lên của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thành phố thành động lực mạnh mẽ để tham gia, góp phần xây dựng Thành phố mang tên Bác văn minh, hiện đại, nghĩa tình, chất lượng sống ngày càng tốt. “Đó chính là giá trị đích thực của việc thi đua, khen thưởng”- đồng chí Nguyễn Văn Nên, khẳng định.