“Sức khỏe” tài chính của Liên hợp quốc

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt hàng loạt thách thức, không chỉ gia tăng về mặt số lượng mà còn ngày càng phức tạp, vai trò của Liên hợp quốc trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, việc thiếu kinh phí đang đặt ra thách thức lớn đối với tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh trong việc triển khai các chương trình hoạt động.
0:00 / 0:00
0:00
Trụ sở Liên hợp quốc tại New York (Hoa Kỳ). (Ảnh: UN)
Trụ sở Liên hợp quốc tại New York (Hoa Kỳ). (Ảnh: UN)

Trong bài phát biểu mới đây về vấn đề ngân sách hoạt động của Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Antonio Guterres nhấn mạnh, cơ quan này đang đối mặt thách thức trên mọi mặt trận khi xung đột liên tiếp bùng phát ảnh hưởng cuộc sống của hàng triệu người dân, mối đe dọa hạt nhân gia tăng, nhu cầu nhân đạo chạm mức kỷ lục, bất bình đẳng lan rộng, thảm họa khí hậu xảy ra thường xuyên và triển vọng đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững trở nên xa vời hơn.

Nhiệm vụ và trách nhiệm ngày càng tăng nhưng nguồn lực dành cho các hoạt động của Liên hợp quốc chưa được đáp ứng đầy đủ. Theo ông Guterres, tính đến cuối quý III/2023, Liên hợp quốc chỉ nhận được 64% trong tổng số tiền cần thiết để duy trì hoạt động trong năm nay, thấp hơn các mức 71,9% và 82,7% lần lượt trong cùng kỳ năm 2022 và 2021.

Để bảo đảm cân bằng ngân sách, Liên hợp quốc đã áp dụng các biện pháp quản lý tiền mặt hồi giữa tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, thay vì có thể chấm dứt giải pháp tạm thời nêu trên vào cuối tháng 9 như dự kiến, Liên hợp quốc đã buộc phải đưa ra các biện pháp bổ sung. Do “thắt lưng buộc bụng” kéo dài, nhiều hoạt động bị đình trệ. Liên hợp quốc lo ngại, nếu tình hình không được cải thiện, tháng 11 tới, họ sẽ đối mặt tình thế khó khăn khi ngân sách gần cạn kiệt. Việc triển khai chương trình hoạt động trong năm 2024 cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

Ðây không phải lần đầu ông Guterres đề cập vấn đề “sức khỏe tài chính” của Liên hợp quốc. Thiếu hụt ngân sách cũng là một trong những thách thức lớn mà các cơ quan của Liên hợp quốc liên tục phải đối mặt thời gian qua. Người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi nhấn mạnh, cơ quan này đang trải qua thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử hơn 70 năm hình thành và phát triển, khi số người phải rời bỏ nhà cửa trên toàn thế giới ở mức cao kỷ lục, khoảng 110 triệu người, song ngân quỹ ứng phó thiếu hụt nghiêm trọng, 650 triệu USD kinh phí đang thiếu trong năm nay.

Trong khi đó, Liên hợp quốc ước tính cần 2,6 tỷ USD cho các hoạt động nhân đạo ở Somalia trong năm 2023, nhưng đến nay mới chỉ khoảng 36% trong tổng số tiền này được đáp ứng. Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cũng cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực và dinh dưỡng tiềm tàng trong bối cảnh chương trình hỗ trợ nhân đạo cho Niger mới chỉ nhận được 41% trong tổng kinh phí 584 triệu USD cần có.

Theo OCHA, trong năm 2023, Liên hợp quốc huy động số tiền hơn 55 tỷ USD cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho 248 triệu người trên thế giới. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 9 vừa qua, các khoản tài trợ mới chỉ đáp ứng chưa đến 30% nhu cầu nêu trên. Thực trạng này khiến các cơ quan của Liên hợp quốc phải giảm viện trợ tại một số điểm nóng như Bangladesh, Cộng hòa Dân chủ Congo, Haiti, Jordan, Palestine, Nam Sudan, Somalia và Syria. Các chuyên gia nhấn mạnh, cái giá phải trả cho việc thiếu kinh phí hoạt động là sức khỏe, thậm chí là sinh mạng của nhiều người dân. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) thông báo đã buộc phải cắt giảm hỗ trợ lương thực cho 10 triệu người dân Afghanistan trong năm 2023, đồng thời cảnh báo về một mùa đông “thảm khốc” sắp tới nếu nguồn tài trợ tiếp tục cạn kiệt.

Để hoạt động của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh được duy trì và ngày càng hiệu quả, việc bảo đảm nguồn tài chính là vấn đề cấp thiết. Ông Guterres đã đề xuất mức ngân sách cho chương trình hoạt động năm 2024 của Liên hợp quốc và vấn đề này sẽ được thảo luận trong thời gian từ nay đến cuối năm, trước khi trình Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào cuối tháng 12 tới. Giới chuyên gia kỳ vọng, các quốc gia thành viên sẽ sớm đạt nhất trí về vấn đề ngân sách nhằm bảo đảm “sức khỏe tài chính” cho Liên hợp quốc.