Tháng 1/1946, ngay sau khi nước Việt Nam mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư đến Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc bày tỏ nguyện vọng Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc - tổ chức đa phương lớn nhất thế giới với sứ mệnh cao cả duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy hợp tác hữu nghị và phát triển của các quốc gia trên toàn cầu.
Gần nửa thế kỷ qua, Liên hợp quốc trở thành đối tác thân thiết, tin cậy, gắn bó chặt chẽ với Việt Nam trong các giai đoạn phát triển. Các chương trình của Liên hợp quốc giúp Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức để tái thiết đất nước sau chiến tranh, phá thế bao vây cấm vận.
Những dự án từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, dân số và kế hoạch hóa gia đình. Hợp tác với Liên hợp quốc góp phần tạo điều kiện thuận lợi, đóng góp quan trọng vào tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam, nhất là phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, vào thời điểm khó khăn nhất, Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ lớn về vắc-xin và thiết bị y tế từ Liên hợp quốc, góp phần quan trọng giúp Việt Nam kiểm soát hiệu quả, thích ứng an toàn và từng bước đẩy lùi đại dịch.
Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam vươn lên mạnh mẽ với nhiều thành tựu nổi bật. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam hồi tháng 10/2022, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ ngưỡng mộ dành cho "dải đất hình chữ S". Từ khi Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc, nhân dân Việt Nam đã viết nên câu chuyện về chuyển đổi, phát triển mạnh mẽ và tràn đầy hy vọng. Từ một nước bị tàn phá bởi chiến tranh và cô lập trên trường quốc tế, Việt Nam vươn lên là một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất thế giới, với nhiều thành tựu trong bảo đảm và nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân. Trên hành trình đó, Liên hợp quốc tự hào là đối tác của Việt Nam.
Hợp tác với Liên hợp quốc luôn giữ vị trí quan trọng trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam cùng người dân thế giới phấn đấu vì hòa bình, độc lập, dân chủ, hợp tác và phát triển. Đề cao vai trò của Liên hợp quốc và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy thượng tôn pháp luật quốc tế, quan hệ bình đẳng, hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia, Việt Nam tham gia ngày càng chủ động, có trách nhiệm và đóng góp thực chất, sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực hoạt động chủ chốt của Liên hợp quốc, để lại nhiều dấu ấn quan trọng.
Trong các nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2008-2009 và 2020-2021), Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp cho các vấn đề toàn cầu, như sáng kiến Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh 27/12; thành lập Nhóm bạn bè Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; giải quyết hậu quả bom mìn, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột; thúc đẩy hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN…
Việt Nam cũng tích cực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; đóng góp vào quá trình thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết, tuyên bố quan trọng của Liên hợp quốc về hợp tác phát triển, giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, bảo đảm quyền con người.
Việt Nam được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và là quốc gia quyết tâm, nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Được cộng đồng quốc tế đặt nhiều kỳ vọng, Việt Nam cũng đang giữ trọng trách tại nhiều cơ chế đa phương lớn của Liên hợp quốc, như Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Chấp hành UNESCO, Ủy ban Luật pháp quốc tế và đã thông báo tiếp tục ứng cử vào một số cơ quan, vị trí như Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền, Chủ tịch Đại hội đồng, Hội đồng Kinh tế-Xã hội…
Nhấn mạnh Việt Nam là sứ giả của hòa bình và là quốc gia luôn phấn đấu vì tình đoàn kết, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục đóng góp vai trò tích cực, cùng cộng đồng quốc tế chia sẻ những kinh nghiệm không chỉ trong đấu tranh vì độc lập và các nguyên tắc luật pháp quốc tế, trong tái thiết, phát triển bao trùm, mà còn trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu chung toàn cầu.
Ông Antonio Guterres cũng kỳ vọng mối quan hệ tốt đẹp Liên hợp quốc-Việt Nam tiếp tục được tăng cường, vì hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới.