Sức hút của Bảo tàng Dân tộc học

Bảo tàng Dân tộc học (phố Nguyễn Văn Huyên) được ví là nơi "đến hoài không chán" ở Hà Nội. Với hàng chục nghìn hiện vật, bảo tàng là nơi đem đến những điều mới lạ về phong tục, tập quán trang phục… của 54 dân tộc anh em. Bảo tàng còn có khu vườn kiến trúc, giới thiệu những ngôi nhà truyền thống của một số dân tộc cùng nhiều kiến thức về văn hóa, lịch sử rất thú vị.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh tham gia các trò chơi truyền thống trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học.
Học sinh tham gia các trò chơi truyền thống trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học.

Với 40 nghìn đồng, không dễ để tham gia một hoạt động giải trí nào ở Hà Nội. Nhưng đó lại là giá vé để khách tham quan, khám phá kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Bảo tàng Dân tộc học. Với đối tượng học sinh, sinh viên, người già…, mức giá còn được giảm từ 50% đến 75%.

Tòa nhà Trống Đồng là không gian đầu tiên đón khách tham quan. Tòa nhà có diện tích lên đến 2.000 m2, thiết kế mô phỏng theo hình trống đồng Đông Sơn. Đây là bức tranh thu nhỏ về lịch sử, văn hóa, sự phân bố của 54 dân tộc Việt Nam thông qua 15 nghìn hiện vật và hàng nghìn bức ảnh, thước phim miêu tả một cách chân thực, đầy đủ về cuộc sống các dân tộc.

Phần lớn hiện vật được trưng bày đều là những hiện vật gốc, được các nhà khoa học sưu tầm từ các chuyến đi đến với vùng đồng bào các dân tộc. Hiện vật được chia thành các mảng khác nhau như: Trang phục, nông cụ, dụng cụ sinh hoạt, tôn giáo, tín ngưỡng cũng như các tục lệ của đồng bào cho thấy sự đa dạng về văn hóa các dân tộc trên đất nước ta.

Tòa nhà Trống Đồng vốn đã cuốn hút, nhưng khu trưng bày ngoài trời còn hấp dẫn hơn. Không gian này được biết đến tên gọi Vườn kiến trúc. Tại đây có hơn 10 không gian nhỏ, mỗi không gian là các công trình kiến trúc tiêu biểu của một dân tộc. Nổi bật nhất trong không gian Vườn kiến trúc là ngôi nhà rông của người Ba Na. Giữa không gian đầy cây xanh, ngôi nhà có bộ mái vút cao hàng chục mét trông bề thế, uy nghi đem lại cho người xem cảm giác như được sống trong không gian của đại ngàn Tây Nguyên.

Nổi bật không kém là nhà dài của người Ê Đê. Ngôi nhà có chiều dài đến 60-70 m, đại diện cho chế độ mẫu hệ, với một đại gia đình gồm nhiều thế hệ cùng sống chung. Tại đây, khách tham quan còn được hiểu thêm về phong tục dựng nhà mồ của một số dân tộc Tây Nguyên. Những ngôi nhà của cư dân các dân tộc Dao, H’Mông, Tày, Hà Nhì… đại diện cho các dân tộc vùng núi phía bắc. Đây cũng là không gian mà khách du lịch quốc tế, các bạn trẻ, các cặp đôi chuẩn bị làm đám cưới rất thích đến để chụp ảnh.

Trong khu vườn đầy cây xanh này còn có ghe ngo của người Khmer, cối giã gạo bằng sức nước của người Dao… Ở đây cũng có khu nhà của người Việt. Trước khu nhà này, vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần có biểu diễn rối nước của các phường rối dân gian đến từ các làng khác nhau.

Không gian cuối cùng tại đây là Nhà cánh diều-tòa nhà được thiết kế như hình chiếc diều thuyền. Đây là nơi trưng bày nét đẹp văn hóa các dân tộc ở khu vực Đông Nam Á và là nơi tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế.

Ngoài các trưng bày thường xuyên, Bảo tàng Dân tộc học còn có nhiều hoạt động văn hóa mỗi dịp lễ, Tết như Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, lễ Quốc khánh… để phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của người dân, du khách. Dù Bảo tàng Dân tộc học ra đời được gần 30 năm, với diện tích lên tới 4,4 ha, nơi đây vẫn thu hút đông đảo khách du lịch bởi không gian xanh chứa đựng nhiều điều thú vị về văn hóa.