Sửa luật để khơi thông nguồn lực

Nhằm đáp ứng những yêu cầu mới nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và dự án một luật sửa 4 luật (Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu).
Ảnh minh họa. (Ảnh: LINH KHOA)
Ảnh minh họa. (Ảnh: LINH KHOA)

Cơ quan soạn thảo tiếp tục đơn giản hóa trình tự, thủ tục lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; cắt giảm thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, chỉ quy định trách nhiệm của cấp quyết định chủ trương đầu tư trong việc bảo đảm nguồn vốn và khả năng cân đối vốn thực hiện chương trình, dự án, nhất là quy định cho phép tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập như chủ trương đã được Quốc hội thông qua.

Nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công tập trung vào năm nhóm chính sách lớn, như nhóm chính sách về luật hóa các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về các cơ chế, chính sách thí điểm đã được Quốc hội cho phép áp dụng và phát huy hiệu quả cơ chế trong thời gian qua; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính linh hoạt, chủ động, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương trong quản lý thực hiện dự án, kế hoạch đầu tư công; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án, đa dạng hóa các hình thức, phương thức quản lý, thực hiện dự án, huy động năng lực quản lý và nguồn lực của địa phương, các thành phần kinh tế khác trong thực hiện dự án đầu tư công.

Việc sửa đổi Luật Đầu tư công lần này cũng nhằm thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi nhà tài trợ nước ngoài, đồng thời cắt giảm, đơn giản hóa trình tự, thủ tục, làm rõ một số quy định còn có cách hiểu khác nhau và bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục để xử lý một số vấn đề phát sinh nhưng chưa được quy định cụ thể trong luật hiện hành.

Đây cũng chính là những vấn đề đang gặp nhiều trở ngại trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư nguồn ngân sách nhà nước, khiến cho hoạt động giải ngân gặp rất nhiều khó khăn, khiến đầu tư công chưa có sức bật, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội như kỳ vọng.

Để luật đi vào cuộc sống, việc nâng cao chất lượng từ khâu soạn thảo dự án luật là rất quan trọng. Theo đó, các quy định đề ra phải bảo đảm tính khả thi, hiệu quả. Đồng thời phải bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ giữa Luật Đầu tư công và các luật khác như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Xây dựng. Có như vậy mới giải quyết được những bất cập cố hữu trong hoạt động quản lý, sử dụng vốn đầu tư công nhiều năm nay, từ đó khơi thông các nguồn lực trong nền kinh tế để phục vụ cho tăng trưởng.