Tập trung vào sửa đổi, bổ sung đối với 7 nhóm chính sách lớn
Ngày 12/4, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương thông tin cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội khóa XV thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 8 (ngày 15/2/2022).
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở các ý kiến tại Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ sẽ bổ sung, sửa đổi 103 điều. Trong đó, có 12 điều chỉ sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 5 điều; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, bà Phương cho biết sẽ cơ bản tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn. Đó là nhằm bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền; Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước; Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền; Bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng; Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về Sở hữu trí tuệ; Nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ; Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập.
Hiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đang tiếp tục được xin ý kiến góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia, các tầng lớp nhân dân thông qua các hội nghị, hội thảo để hoàn thiện và tạo sự đồng thuận cao.
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, PGS, TS Quách Sỹ Hùng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ-Pháp luật Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, đối với những tài sản hữu hình đã quy định rõ, còn với những tài sản trí tuệ thì tính chất hoàn toàn khác, càng sử dụng thì giá trị càng gia tăng và không mất đi.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền lực trí tuệ đối với việc phát triển quốc gia hưng thịnh, PGS, TS Quách Sỹ Hùng cho rằng cần sớm sửa luật để bảo vệ được quyền lực trí tuệ đó.
Nêu tình trạng nhiều tác giả bức xúc khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ông Hùng cho rằng cần phải xây dựng hội bảo vệ quyền tác giả đủ mạnh, đủ cơ sở pháp lý giống như Hội bảo vệ người tiêu dùng.
“Những người tham gia Hội bảo vệ quyền tác giả phải có năng lực, am hiểu pháp luật chuyên sâu để thực thi tốt nhiệm vụ của mình. Đồng thời phải có tòa án chuyên về xử lý các vụ việc liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ, tương tự tòa án về hôn nhân và gia đình”, ông Hùng kiến nghị.
Bên cạnh đó, ông Hùng cũng đề nghị cần quy định xử phạt nghiêm những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, kể cả xử lý hình sự, nhất là trong bối cảnh hành giả, hàng nhái ngày càng lộng hành và làm tổn hại người tiêu dùng, ảnh hưởng đến nền sản xuất, kinh tế thị trường.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ
TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa-Xã hội cho rằng cần có giải pháp nhằm bảo đảm các tổ chức, cá nhân sáng tạo ra sản phẩm phải đi đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, tránh tình trạng như vừa qua, nhiều sản phẩm, hàng hóa của người Việt Nam bị nước ngoài đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.
Theo GS, TS Lê Vân Trình, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường, Dự thảo Luật cần quy định chi tiết mang tính định lượng các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng, để cả chủ sở hữu và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có cơ sở thống nhất, cụ thể khi xác lập quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua năm 2005 (Luật số 50/2005/QH11) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006. Qua 16 năm thi hành, Luật đã phát huy vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt, đó là tài sản trí tuệ.
Tuy nhiên, bối cảnh phát triển hiện nay đã có nhiều thay đổi so với năm 2005. Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển mạnh sang là nước tạo ra loại tài sản này để phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.
Theo đó, Luật Sở hữu trí tuệ đã được chỉnh sửa, bổ sung 2 lần vào năm 2009 và 2019, khi đó chủ yếu để đáp ứng các cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và thi hành được ngay khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực.
Đến nay, việc sửa đổi chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho việc đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; bộc lộ những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa; chưa đáp ứng tốt yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước ta.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đánh giá cao các ý kiến đóng góp tại Hội nghị, bày tỏ hy vọng nội dung sửa đổi, bổ sung lần này sẽ khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi; nhất là quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
“Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đáp ứng các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp và yêu cầu mới đề ra”, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng khẳng định.