Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ ba, sáng 13/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh
Góp ý vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) cơ bản đồng tình với dự thảo và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội.
Bày tỏ quan tâm đến quyền của người bệnh, đại biểu nêu rõ, theo quy định tại Điều 8 của dự án Luật, người bệnh có quyền được khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế. Cụ thể, Khoản 3 của điều này quy định người bệnh được quyền tiếp cận các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cơ bản, bao gồm cả thuốc.
Theo đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, quy định này là không phù hợp. Người bệnh có quyền tiếp cận tất cả các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với điều kiện của từng người. Do vậy, đại biểu đề nghị nên quy định người bệnh được tiếp cận toàn bộ dịch vụ khám, chữa bệnh và bỏ cụm từ “cơ bản” tại Khoản 3 điều này.
Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát toàn bộ dự thảo Luật để xem xét, giải thích từ ngữ, thí dụ như thế nào là “cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu”, “cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản”, “cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu”, “sản phẩm dinh dưỡng”…, để bảo đảm các thuật ngữ dùng trong Luật được hiểu một cách thống nhất, đầy đủ, tạo thuận lợi trong quá trình áp dụng pháp luật.
Cần quy định cụ thể về xã hội hóa trong lĩnh vực y tế
Cho ý kiến vào Điều 90 của dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, dự án Luật chưa tiếp thu đầy đủ ý kiến Kết luận ngày 25/4/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó nêu rõ phải nghiên cứu để quy định cụ thể vấn đề xã hội hóa trong lĩnh vực khám, chữa bệnh ngay vào trong dự án Luật này.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, nguồn lực trong xã hội còn rất lớn. Do đó, nếu như Quốc hội, Chính phủ ban hành những quy định thật cụ thể, đầy đủ, rõ ràng về xã hội hóa, liên doanh, liên kết sẽ giúp cho các bệnh viện có hệ thống trang thiết bị hiện đại, từ đó mang lại lợi ích cho bệnh nhân và nền y tế nước nhà.
Đại biểu kiến nghị, cần quy định cụ thể vào trong dự án Luật những nguyên tắc, yêu cầu đặc thù của xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Bên cạnh đó, dự thảo cũng cần thiết bổ sung các cơ chế kiểm soát để nhằm chống sự biến tướng, lợi ích nhóm, cùng với đó là các cơ chế khuyến khích để triển khai xã hội hóa, liên doanh, liên kết ở những địa phương, những vùng còn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.
Chung quan điểm, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, các điều khoản cụ thể của dự thảo Luật chưa thể chế được đầy đủ chủ trương xã hội hóa dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đại biểu, Điều 90 dự thảo Luật quy định về xã hội hóa còn chung chung, chưa bảo đảm bình đẳng giữa cơ sở ngoài công lập và công lập, chưa cụ thể chính sách khuyến khích sự tham gia của khu vực ngoài công lập, cũng như chưa phân tách giữa vùng thuận lợi với vùng khó khăn để khuyến khích đầu tư vào vùng khó khăn. Do đó, đại biểu đề nghị rà soát lại quy định trên, nhằm bảo đảm đồng bộ, minh bạch.
Mặt khác, đại biểu Trần Khánh Thu cũng lưu ý đến chính sách tự chủ trong lĩnh vực y tế nhưng các cơ sở y tế chưa được tự quyết định giá dịch vụ, trong khi định mức kinh tế kỹ thuật ban hành từ năm 2012 không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Cần cơ chế kiểm soát giá dịch vụ khám, chữa bệnh
Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) bày tỏ quan tâm về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Đại biểu phân tích, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân thông qua hoạt động khám, chữa bệnh là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe, được bảo đảm an sinh xã hội. Chi phí khám, chữa bệnh có tác động trực tiếp tới quỹ bảo hiểm y tế, ngân sách nhà nước cũng như tài chính cùng mỗi người dân.
Theo đại biểu, do dịch vụ khám, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, người bệnh không có quyền thỏa thuận trả giá, do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh cần thực hiện theo nguyên tắc: Nhà nước thống nhất quản lý về giá, ban hành giá dịch vụ khám, chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập và quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh với những cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nêu rõ, đối với khối tư nhân, cần có cơ sở, cơ chế kiểm soát giá, quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh để bảo đảm quyền của người bệnh. Nếu thả nổi cho giá khu vực tư nhân quyết định sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, người bệnh phải trả chi phí cao khi họ không có lựa chọn khác trong thời điểm các cơ sở y tế công lập quá tải như thực tế trong dịch Covid-19 vừa qua.
Trau dồi y đức cho đội ngũ thầy thuốc
Góp ý vào Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) nêu ý kiến, thời gian qua, đã có nhiều vấn đề nổi lên liên quan y đức, đạo đức nghề nghiệp của nhân viên y tế.
Đại biểu nhấn mạnh, y học nước nhà có tiến bộ, đội ngũ y, bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao ngày càng nhiều, tuy nhiên không hẳn là tỷ lệ thuận với y đức được nâng lên, kể cả những bệnh viện tuyến trên. Bên cạnh một bộ phận cán bộ y tế tận tâm với nghề, thể hiện tinh thần hy sinh, gắn bó, ứng xử hài hòa, tận tình chăm sóc người bệnh, cũng còn không ít y, bác sĩ rời xa mục đích cao cả và tôn chỉ như lời Bác Hồ dạy “Lương y như từ mẫu”.
Đại biểu Trần Quang Minh cho rằng, đây là vấn đề hết sức quan trọng, cần phải được đưa vào Luật và dành 1 chương riêng cho vấn đề này. Nêu rõ 12 nội dung, tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế đã được Bộ Y tế quy định khá cụ thể, đại biểu kiến nghị các quy định này cần phải được xem xét để đưa vào dự thảo Luật, kèm với đó là một số nội dung cơ bản về quy tắc ứng xử.
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trình xin ý kiến Quốc hội gồm 10 Chương và 102 Điều, thêm 1 chương (Chương IX) so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, quy định về phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; chính sách của Nhà nước, trách nhiệm quản lý Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; các hành vi bị cấm; người đại diện, quyền, nghĩa vụ của người bệnh; người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; các quy định chuyên môn kỹ thuật, sai sót chuyên môn kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh; các điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A…