Sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự bảo đảm cam kết trong CPTPP

NDO -

Qua rà soát, một số quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự vẫn chưa tương thích với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đòi hỏi cần có điều chỉnh để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong CPTPP.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. (Ảnh: DUY LINH)
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. (Ảnh: DUY LINH)

Cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, chiều 20/10, các đại biểu thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trình bày trước Quốc hội tờ trình về dự án luật, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, qua rà soát, quy định tại khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự chưa tương thích với Hiệp định CPTPP về nội dung liên quan đến việc cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà không cần có yêu cầu của người bị hại. Từ đó, đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung các quy định trên theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của Bộ luật Hình sự.

Hiệp định CPTPP chỉ đặt ra yêu cầu bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo khoản 1 Điều 226 Bộ luật Hình sự tại khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị thực hiện cơ chế này đối với cả chỉ dẫn địa lý, để bảo đảm tăng cường bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý tương tự như đối với nhãn hiệu, phù hợp với xu thế tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, nhất là trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu và toàn diện vào nền kinh tế thế giới như hiện nay.

Tán thành nội dung của dự án luật, bảo đảm cam kết quốc tế

Đồng tình với dự án luật, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng, do yêu cầu thực tiễn đặt ra, việc dự thảo luật sửa đổi một số quy định liên quan sở hữu trí tuệ trong Bộ luật Tố tụng hình sự là để phù hợp với CPTPP, bảo đảm sự tương thích với các cam kết quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự bảo đảm cam kết trong CPTPP -0

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang phát biểu thảo luận tại tổ 9, chiều 20/10. (Ảnh: TRUNG HƯNG) 

Do vậy, việc xây dựng dự án luật và trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ hai là hết sức cần thiết, nhằm bảo đảm đáp ứng yêu cầu về nội dung và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong CPTPP trong thời hạn 3 năm sau khi hiệp định có hiệu lực, tức là ngày 14/1/2022.

Trong báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp cũng tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi của dự án luật với những lý do như đã nêu trong tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, bảo đảm đúng lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP và yêu cầu theo Nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội.

Sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự bảo đảm cam kết trong CPTPP -0

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga. (Ảnh: DUY LINH) 

Về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự về Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại và khoản 8 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự về Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận thấy, khoản 1 Điều 226 Bộ luật Hình sự quy định Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.

Hiệp định CPTPP quy định, các quốc gia thành viên cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể chủ động thực hiện hành động pháp lý mà không cần có khởi kiện chính thức từ người thứ ba hay chủ thể quyền đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu, Hiệp định không đặt ra yêu cầu đối với chỉ dẫn địa lý.

Như vậy, nếu sửa đổi, bãi bỏ nội dung dẫn chiếu đến toàn bộ khoản 1 Điều 226 của Bộ luật Hình sự như đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thì sẽ mở rộng hơn so với yêu cầu của Hiệp định CPTPP.

Qua thảo luận, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp đề nghị chỉ sửa đổi khoản 1 Điều 155, khoản 8 Điều 157 của Bộ luật Tố tụng hình sự để bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới khoản 1 Điều 226 của Bộ luật Hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, không sửa đổi quy định liên quan đến chỉ dẫn địa lý.

Các đại biểu cho rằng, chính sách hình sự nhất quán của Nhà nước ta từ trước đến nay là đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về chỉ dẫn địa lý (thuộc loại tội ít nghiêm trọng), quy định tại khoản 1 các điều tương ứng của Bộ luật Hình sự, thì chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại là trên cơ sở cân nhắc lợi ích của bị hại, dành cho họ quyền lựa chọn xử lý hoặc không xử lý bằng biện pháp hình sự.

Trường hợp phạm tội có mức độ nghiêm trọng hơn thì theo quy định của pháp luật tố tụng từ trước đến nay, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chủ động khởi tố mà không phụ thuộc vào yêu cầu khởi tố của bị hại. Thực tiễn thực hiện các quy định này theo báo cáo tổng kết của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đều thuận lợi, hiện nay chỉ phát sinh vướng mắc duy nhất là Bộ luật Tố tụng hình sự chưa tương thích với Hiệp định CPTPP.

Xuất phát từ mục đích xây dựng dự án luật là bảo đảm cam kết của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP, do đó, chỉ thực hiện đúng phạm vi yêu cầu của hiệp định về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, không đặt vấn đề đối với chỉ dẫn địa lý.

Ý kiến của Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ; ý kiến tham gia thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Đối ngoại đều đề nghị cân nhắc kỹ việc sửa đổi này.

Bên cạnh đó, có ý kiến tán thành đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vì cho rằng, Bộ luật Hình sự quy định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý trên cơ sở xác định các hành vi này có đặc điểm, tính chất, mức độ nguy hiểm tương đồng, do đó, cần được áp dụng thống nhất về chính sách xử lý.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng Lê Minh Trí cho biết, việc dự thảo luật sửa đổi khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự là để phù hợp với Hiệp định CPTPP. Do đó, dự thảo luật hoàn toàn tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.