Với việc giành được 49,35% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm 14/5, Tổng thống đương nhiệm Tayyip Erdogan sẽ bước vào cuộc bỏ phiếu vòng hai, dự kiến vào ngày 28/5 tới. Ðây sẽ là "cuộc đua song mã" giữa ông Erdogan với đối thủ Kemal Kilicdaroglu thuộc Liên minh quốc gia và đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập.
Với việc giành được 49,35% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm 14/5, Tổng thống đương nhiệm Tayyip Erdogan sẽ bước vào cuộc bỏ phiếu vòng hai, dự kiến vào ngày 28/5 tới.
Tổng thống Erdogan hiện có lợi thế khi kết quả bầu cử Quốc hội vừa qua cho thấy, Liên minh Nhân dân do đảng Công lý và Phát triển (AKP) của ông dẫn đầu giành được 321 trong tổng số 600 ghế, trong khi Liên minh đối lập giành được 213 ghế.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã chúc mừng Thổ Nhĩ Kỳ khi có đông cử tri bỏ phiếu và đây là chiến thắng của nền dân chủ.
Người phát ngôn Ðiện Kremlin cũng nêu rõ, Nga theo dõi sát sao cuộc bầu cử tại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời khẳng định Moskva tôn trọng sự lựa chọn của người dân nước này. Nga nhấn mạnh trong bất kỳ trường hợp nào, hợp tác hai bên cũng sẽ được duy trì và tăng cường.
Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng kiến nhiều sự kiện và đổi thay tích cực sau 20 năm Tổng thống Erdogan chèo lái "con thuyền đất nước". Thổ Nhĩ Kỳ hiện đóng vai trò quan trọng trong một loạt vấn đề, từ đàm phán Astana về Syria, đàm phán Nga-Ukraine, tới việc vận chuyển lương thực từ Ukraine qua Thổ Nhĩ Kỳ đến Trung Ðông, châu Phi.
Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đã nổi lên như một rào cản chính đối với nỗ lực tái tranh cử của Tổng thống Erdogan.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp, Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước nhiều thách thức lớn. Vấn đề cử tri Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm nhất hiện nay là lạm phát. Giá các mặt hàng tiêu dùng cũng như giá nhà ở đã tăng vọt với tỷ lệ lạm phát lên tới 85% trong tháng 10/2022. Con số này sau đó đã được kiểm soát tốt hơn, nhưng vẫn ở mức trên 40% và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đã nổi lên như một rào cản chính đối với nỗ lực tái tranh cử của Tổng thống Erdogan.
Tổng thống Erdogan tuyên bố sẽ tăng lương cho công chức, từ tháng 7/2023. Theo ông Erdogan, với sự điều chỉnh, thu nhập hằng tháng thấp nhất của công chức sẽ vào khoảng 22.000 lira/tháng (1.123 USD/tháng), bao gồm cả các khoản phúc lợi. Trong khi đó, ông Kilicdaroglu cũng cam kết cải thiện mức sống và điều kiện xã hội cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng lạm phát leo thang.
Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ phục hồi chậm sau động đất
Tổng thống Erdogan cam kết thúc đẩy việc ban hành Hiến pháp dân sự và toàn diện mới sau cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội. Theo Tổng thống Erdogan, việc thông qua Hiến pháp mới không chỉ quan trọng đối với nhánh tư pháp mà còn đối với các nhánh khác trong hệ thống chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông mong muốn thúc đẩy việc ban hành bản Hiến pháp dân sự và toàn diện, được soạn thảo dựa trên ý nguyện của nhân dân.
Tổng thống Erdogan cho biết, sẽ nêu lại vấn đề này trong chương trình nghị sự của cả chính quyền và Quốc hội. Bên cạnh đó, ông Erdogan cũng đánh giá việc sửa đổi Hiến pháp được thực hiện vào năm 2017 là một trong những cải cách quan trọng nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ. Việc chuyển sang chế độ cộng hòa tổng thống đã củng cố nguyên tắc tam quyền phân lập tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuộc bầu cử tổng thống là sự kiện chính trị rất quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ. Kết quả bầu cử không chỉ tác động nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn ảnh hưởng lớn tới khu vực. Ðược đánh giá là khá kịch tính, song dù ai là người thắng trong cuộc bầu cử, sứ mệnh của nhà lãnh đạo tương lai đều là đưa Thổ Nhĩ Kỳ thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, tái thiết đất nước sau thảm họa động đất, đồng thời tiếp tục có những chính sách đối ngoại phù hợp, nâng cao hơn nữa vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực và thế giới.