Sử dụng vòng cổ phát sóng để bảo tồn loài hổ Siberia

Các nhà khoa học phải chờ<br>cho con hổ mẹ rời khỏi hang để tiến hành<br>đeo vòng cổ cho các con hổ con.
Các nhà khoa học phải chờ<br>cho con hổ mẹ rời khỏi hang để tiến hành<br>đeo vòng cổ cho các con hổ con.

Các nhà khoa học thuộc Hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) đã đeo những chiếc vòng cổ phát sóng vô tuyến cho những con hổ Siberia non để theo dõi chúng.

Đây là những con hổ chưa tới sáu tháng tuổi ở Khu bảo tồn Sikhotr-Alin (Nga). Chúng sẽ được gắn những chiếc vòng cổ đàn hồi đặc biệt giúp các nhà khoa học tìm ra được phương pháp để cải thiện cơ hội sống sót của chúng, bởi hiện nay tỷ lệ tử vong của những con hổ non dưới 1 tuổi lên tới 50%.

Được làm bằng dây chun, những chiếc vòng cổ này được thiết kế đặc biệt để chúng có thể giãn ra và đứt rời khi con hổ lớn lên. Những chiếc vòng cổ này sẽ phát ra một tín hiệu báo động mỗi khi con hổ ngừng hoạt động quá một giờ. Khi đó, các nhà khoa học sẽ tìm kiếm chúng và xem xét nguyên nhân gây nên cái chết của con hổ.

Ông John Goodrich, một nhà nghiên cứu của WCS và là giám đốc của Dự án Hổ Siberia cho biết: "Hổ Siberia là một loài vật thường tránh xa con người, do vậy có rất ít nhà khoa học từng thấy chúng trong môi trường sống tự nhiên. Bằng cách theo dõi sóng radio, chúng tôi sẽ tìm hiểu rõ hơn được nhu cầu của chúng".

Những con hổ con này là thế hệ hổ thứ ba được đánh dấu.

Bà Toni Ruth, một nhà nghiên cứu của WCS, là người đã từng thiết kế và chế tạo chiếc vòng cổ cho những con sư tử mà bà giám sát ở Công viên quốc gia Yellowston (Mỹ).

Bà cho biết: Bộ phát sóng có thể hoạt động trong khoảng thời gian từ 18 đến 21 tháng rưỡi. Thời gian mà chiếc vòng cổ đeo trên con thú tùy thuộc vào tốc độ phát triển của nó và sức ép gia tăng lên chất đàn hồi bên trong. Chiếc vòng cổ này cũng có thể bị hư hỏng nhanh chóng hơn trong một môi trường nóng ẩm.

Mặc dù chiếc vòng cổ nhỏ hơn so với những chiếc vòng được đeo cho những con hổ trưởng thành, nhưng phạm vi tín hiệu của bộ phát sóng cũng tương đương với những chiếc vòng cổ lớn bởi nó có một chiếc ăng-ten bổ sung ở phía trên của chiếc vòng.

Trước khi những chiếc vòng cổ được lắp đặt, người ta phải định vị được những con hổ con. Nhóm nghiên cứu thực hiện việc này bằng cách theo dõi một con hổ cái ba tuổi đã được đeo vòng cổ có tên là Galia. Con hổ này đã dẫn họ tới chiếc hang đá của nó trên một triền núi.

Chiếc hang được tìm thấy trên một sườn núi.

Tiến sĩ Goodrich và nhóm của ông phải đợi cho tới khi con hổ cái này rời khỏi hang đá, và khi tín hiệu của nó yếu đi thì họ mới tiến hành lắp đặt những bộ phát sóng vào cổ những con hổ non. Họ cũng lấy những mẫu lông và máu của những con hổ này để thực hiện các phân tích gene và bệnh tật.

Những con hổ non này là thế hệ thứ ba được đeo những bộ phát sóng ở cổ trong 10 năm qua. Mẹ của chúng, Galia, và bà ngoại của chúng, Lidia cũng đã được WCS đeo vòng cổ và theo dõi từ vài năm trước đây.

Ông John nói: "Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã biết được đôi chút về lý do gây ra tỷ lệ tử vong lên tới 50% trong những con hổ con dưới một tuổi. Nếu chúng tôi tìm được cách cải thiện các cơ hội sống của chúng, số lượng đàn hổ sẽ được tăng lên".

Hiện người ta cho rằng chỉ còn khoảng 400 con hổ Siberia sống trong môi trường tự nhiên, và nạn săn bắn trộm để lấy da và những phần cơ thể khác của chúng chính là mối đe dọa lớn nhất cho sự tồn tại của loài động vật này.