Sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết quý I/2023, số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là 40,39 triệu lượt (tăng 12,69 triệu lượt, tăng 45,85% so với quý I/2022); các cơ sở khám, chữa bệnh đã đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán 26.976,2 tỷ đồng (tăng 7.697,3 tỷ đồng, tương đương mức tăng 39,93% so với quý I/2022).
0:00 / 0:00
0:00
Người dân tham gia bảo hiểm y tế được bảo đảm quyền lợi khi đi khám, chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh TÂM TRUNG)
Người dân tham gia bảo hiểm y tế được bảo đảm quyền lợi khi đi khám, chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh TÂM TRUNG)

Với số chi nêu trên, hiện quỹ bảo hiểm y tế trong quý I/2023 đã “âm” 3.238,8 tỷ đồng…

Để đánh giá việc thực hiện công tác giám định bảo hiểm y tế; quản lý, sử dụng quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; trách nhiệm của ngành trong công tác giám định; Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả công tác giám định bảo hiểm y tế quý I/2023 và triển khai nhiệm vụ chín tháng cuối năm 2023, nhằm bảo đảm việc quản lý hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế, cũng như bảo đảm quyền lợi của người tham gia.

Chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng nhanh

Tại hội nghị, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Lê Văn Phúc chia sẻ, có một số điểm đáng lưu ý trong kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm y tế dựa trên số liệu các cơ sở đề nghị quyết toán ghi nhận trên Hệ thống giám sát của 63 tỉnh, thành phố (chưa bao gồm số chi của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân).

Theo đó, tổng chi ba tháng đầu năm 2023 là 30,9 nghìn tỷ đồng, trong đó quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 26,9 nghìn tỷ đồng; số chi toàn quốc tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương tăng 7,7 nghìn tỷ đồng. Tỉnh có tỷ lệ chi tăng cao nhất so với cùng kỳ là Đồng Tháp (tăng 74%); nhiều tỉnh có mức tăng hơn 50%...

Một số tỉnh, thành phố có số tiền chi tăng lớn so với quý I/2022 là: Hà Nội (1.628,9 tỷ đồng), Thành phố Hồ Chí Minh (1.024 tỷ đồng), Thanh Hóa (315,21 tỷ đồng), Nghệ An (250 tỷ đồng), Thừa Thiên Huế (187,36 tỷ đồng), Đồng Nai (161,49 tỷ đồng), Bình Dương (154,95 tỷ đồng)...

Ông Lê Văn Phúc cũng đưa ra dự báo số lượt và chi khám, chữa bệnh cũng sẽ gia tăng trong các quý còn lại của năm 2023; dự kiến số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sáu tháng đầu năm là 83 triệu lượt, quỹ bảo hiểm y tế thanh toán khoảng 58 nghìn tỷ đồng.

Phân tích riêng về chi phí chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi, báo cáo cho biết, chi phí thuốc tăng lên mức 10.854,9 tỷ đồng, tăng 130% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ chi thuốc so với tổng chi khám, chữa bệnh hiện đang chiếm 35%, trong đó tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc đang chiếm 21% trong tổng chi thuốc. Một số địa phương có tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc cao hơn bình quân chung toàn quốc như: Thừa Thiên Huế 42,2%, Hà Nội 35,6%, Thành phố Hồ Chí Minh 30,6%, Đà Nẵng 28,3%, Quảng Bình 21,9%...

Đáng lưu ý, tại một số địa phương, một số thuốc có giá trúng thầu chênh lệch lớn so với giá trúng thầu trung bình. Qua rà soát giá thuốc trúng thầu trung bình do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố hai đợt năm 2022 cho thấy, một số tỉnh có giá trúng thầu thuốc chênh lệch lớn so với giá thuốc trúng thầu trung bình; chi phí thuốc chưa được sử dụng hợp lý còn thể hiện trong việc cấp phát sử dụng thuốc.

Tương tự, mức chi vật tư y tế quý I/2023 là 3.140,6 tỷ đồng; chiếm 10,16% tổng chi khám, chữa bệnh; có 19 tỉnh có tỷ lệ chi vật tư y tế/tổng chi khám, chữa bệnh tăng so với quý I/2022. Một số địa phương có mức tăng đột biến như: Quảng Trị có tổng chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đứng thứ 50 toàn quốc, nhưng tỷ lệ chi vật tư y tế/tổng chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đứng thứ 8 toàn quốc (9,69%)...

“Giá thanh toán đối với một số loại vật tư y tế có giải giá rộng, còn có sự chênh lệch lớn về giá đấu thầu, giá sử dụng đối với một số loại vật tư y tế. Với các tỉnh có tỷ lệ chi vật tư y tế/tổng chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cao hơn bình quân chung toàn quốc, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám định tình hình chi vật tư y tế tại địa phương”, ông Lê Văn Phúc nhấn mạnh.

Kiểm soát chi phí, bảo đảm sử dụng nguồn quỹ hiệu quả

Đánh giá công tác giám định bảo hiểm y tế tại các địa phương, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến Nguyễn Tất Thao cho biết: Năm 2022, trung tâm đã thông báo đến Bảo hiểm xã hội các địa phương về 71 chuyên đề, số tiền đề nghị giám định là 132,1 tỷ đồng.

Tính đến ngày 17/4/2023, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố báo cáo số tiền đã thu hồi về quỹ là 51 tỷ đồng (tỷ lệ thu hồi 38,6%). Theo ông Nguyễn Tất Thao, một trong những vấn đề cần được chấn chỉnh là một số Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện chưa nghiêm túc việc giám định, có tỉnh thực hiện nghiêm túc tới 108 chuyên đề, nhưng cũng có tỉnh chỉ thực hiện được một chuyên đề...

Tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hòa đặc biệt nhấn mạnh, trong khi nguồn quỹ bảo hiểm y tế có hạn, thì chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế lại tăng nhanh, đòi hỏi Bảo hiểm xã hội các địa phương phải tiếp tục nâng cao trách nhiệm, phối hợp với ngành y tế quản lý nguồn quỹ hiệu quả.

Đồng thời, Bảo hiểm xã hội các địa phương cần chú trọng nâng cao trách nhiệm thực hiện công tác giám định bảo hiểm y tế và đánh giá bằng hiệu quả thực chất. Yêu cầu Bảo hiểm xã hội các địa phương và cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện nghiêm túc quyết định thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các cấp. Trọng tâm của hoạt động giám định bảo hiểm y tế là giám sát sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả, không lãng phí; đồng thời bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và cơ sở khám, chữa bệnh.