Vì vậy, ngày 8-11-2016, UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư dự án tổ chức thực hiện việc thu gom, quản lý, lập phương án sử dụng tầng đất canh tác, khi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, hoa màu sang xây dựng các công trình. Tuy nhiên, đến nay, các đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc, chưa báo cáo thành phố kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao; nhiều chủ đầu tư khi thực hiện dự án không bóc tách, thu gom lớp đất hữu cơ, mà san lấp ngay mặt bằng để xây dựng công trình, gây lãng phí lớn tài nguyên này.
Trước tình hình nêu trên, vừa qua, UBND thành phố đã có Chỉ thị về việc tổ chức thu gom, quản lý, sử dụng có hiệu quả tầng đất canh tác khi chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trồng lúa, hoa màu sang đất xây dựng công trình trên địa bàn. Chỉ thị nêu rõ, nhiệm vụ bóc tách, thu gom, quản lý tầng đất canh tác khi chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trồng lúa, hoa màu sang đất thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư dự án, các sở, ngành liên quan và các quận, huyện, thị xã. Các phương án tái sử dụng lớp đất hữu cơ cho các dự án khai hoang, phục hóa, cải tạo đất trồng lúa, hoa màu khác; việc trồng cây xanh, thảm cỏ tại các dự án xây dựng đường giao thông, khu đô thị, khu công nghiệp, thương mại.
Để thực hiện tốt chỉ thị, không lãng phí tài nguyên đất canh tác, hữu cơ, các sở, ngành liên quan, cùng các quận, huyện, thị xã và chủ đầu tư, cần nhận thức sâu sắc, nâng cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp theo quy định. Các dự án đầu tư xây dựng công trình phải có phương án bóc tách, vận chuyển, quản lý đất canh tác khi tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng, chú ý kết nối đồng bộ với các dự án khai hoang, phục hóa, cải tạo đất nông nghiệp khác, để sử dụng nguồn đất hữu cơ này. Khẩn trương tạo lập, bố trí các bãi chứa đất hữu cơ tạm thời, phù hợp với vị trí của các dự án đầu tư công trình để giảm chi phí vận chuyển.
Tăng cường thông tin, truyền thông về đất hữu cơ, khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng trong cải tạo, nâng cao chất lượng đất nông nghiệp, phát triển trang trại, gia trại, nông nghiệp công nghệ cao, thực hiện dự án công viên, vườn hoa, thảm cỏ, cây xanh… Các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư dự án công trình cần chấp hành nghiêm chế độ báo cáo tình hình thực hiện phương án bóc tách đất canh tác cho thành phố. Các cấp, ngành chức năng tăng cường công tác nắm thông tin, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm theo quy định các chủ đầu tư dự án vi phạm việc bóc tách, vận chuyển, quản lý đất canh tác.
Tầng đất mặt hữu cơ, canh tác nông nghiệp do vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cùng sự lao động cần cù của người nông dân trong rất nhiều năm mới có được. Đây là tài nguyên quý, hữu hạn, cần được quản lý, sử dụng hiệu quả trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn Hà Nội.