Nhiều cặp vợ chồng trẻ, sau một ngày dài làm việc mệt mỏi, trở về nhà, thay vì tâm sự, chia sẻ, cùng nhau nấu ăn và chăm sóc gia đình, họ lại chọn làm bạn với chiếc điện thoại. Không khí gia đình trở nên nguội lạnh. Vợ chồng cãi cọ nhau vì người này dành quá nhiều thời gian để lướt điện thoại mà không quan tâm đến gia đình, con cái. Hay bố mẹ và con cái ít giao tiếp với nhau, dần dà trẻ em không còn kể cho bạn nghe về những điều đang xảy ra chung quanh.
Một thực trạng khá quen thuộc trong nhiều gia đình hiện nay là sau giờ cơm tối, mỗi người trong gia đình đều tự giải trí với những thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop. Quỹ thời gian dành cho điện thoại thông minh đang “bòn rút” khoảng thời gian dành cho gia đình, khi ai cũng có “cả thế giới trên điện thoại”. Khi bố mẹ, con cái, vợ chồng ít trò chuyện cũng đồng nghĩa với việc ít hiểu nhau hơn, dễ dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có.
Quỹ thời gian dành cho điện thoại thông minh đang “bòn rút” khoảng thời gian dành cho gia đình, khi ai cũng có “cả thế giới trên điện thoại”.
Đã có nhiều câu chuyện đáng tiếc xảy ra chỉ vì quá chú tâm vào điện thoại. Như trường hợp của chị Mai Anh (quận Long Biên, TP Hà Nội) cho biết: “Chồng tôi bị nghiện điện thoại, mê chơi game, và lướt web cả ngày. Nhiều hôm đi làm về muộn, nhà cửa ngổn ngang, bố thì ôm khư khư điện thoại, con thì xem ti-vi một mình. Có hôm dẫn con đi công viên chơi, anh ấy mải xem điện thoại mà không để ý thằng bé suýt bị ngã xuống hồ. Sau lần ấy, anh mới biết “sợ” và dần thay đổi”.
Tương tự như gia đình chị Hà Phương (trú tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) chia sẻ: “Sau thời gian ở nhà vì dịch Covid-19, vợ chồng tôi và hai con đều có thế giới riêng trên điện thoại di động. Tôi và chồng thường xuyên ôm điện thoại vì công việc, đọc tin tức, lướt Facebook.
Hai con trai cũng ôm điện thoại, máy tính bảng với mục đích riêng”. Theo các chuyên gia tâm lý, số lượng người dùng điện thoại di động và các thiết bị điện tử sau thời kỳ dịch bệnh tăng với tốc độ chóng mặt, kéo theo nhiều hệ lụy đáng lo ngại như ly hôn, ngoại tình, cận thị, viêm loét dạ dày...
Các thiết bị điện tử là công cụ để mọi người làm việc dễ dàng, hiệu quả hơn, nhưng cũng là “con dao hai lưỡi” nếu chúng ta không biết kiểm soát chúng.
Ngày 2/5 vừa qua, Công an tỉnh Lâm Đồng tiến hành bắt “nóng” nghi phạm Kenter JacoBus Johansen để làm rõ hành vi giết người. Thông tin ban đầu, nghi phạm có hành vi dùng dao sát hại vợ là bà L.T.D (sinh năm 1970). Tại cơ quan điều tra, bước đầu, Kenter JacoBus Johansen khai nhận, khoảng 16 giờ cùng ngày, trong lúc gia đình đi ăn, bà L.T.D thường xuyên sử dụng điện thoại, bị Johansen nhắc nhở nhiều lần nên phát sinh mâu thuẫn. Khi trở về nhà, hai bên tiếp tục xảy ra cãi vã, Johansen đã dùng dao sát hại bà D.
Có một câu chuyện của ông chủ Hãng Apple - Steve Jobs. Khi còn sống, Steve Jobs yêu cầu các thành viên gia đình không dùng iPad hay iPhone trong lúc ngồi ăn. Đó cũng là lúc các thành viên “thoát ly” áp lực công việc, đối thoại với nhau. Khi những chiếc điện thoại thông minh có mặt trong các gia đình thì thời gian dành cho nhau giữa các thành viên có thể bị san sẻ, vơi đi phần nào.
Để hạn chế xu hướng giảm dần thời gian đối thoại do bị điện thoại thông minh chi phối, nhiều gia đình cho rằng nếu các thành viên không thể chủ động giảm thời gian “lang thang” trên mạng thì ít nhất cũng nên bàn bạc, thống nhất thời gian nào lên mạng, thời gian nào dành sum họp, chia sẻ về công việc, cuộc sống để không khí gia đình đầm ấm, gắn kết hơn.