Bình luận quốc tế

Sri Lanka tìm cách vượt “bão khủng hoảng”

Sri Lanka đang chật vật ứng phó cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có và nguy cơ xảy ra nạn đói ngày càng rõ nét.

Người dân Sri Lanka nhận hàng hóa viện trợ. (Ảnh: Reuters/TTXVN)
Người dân Sri Lanka nhận hàng hóa viện trợ. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Cùng những nỗ lực tăng cường khả năng chống đỡ trong nước, Chính phủ Sri Lanka đang gấp rút tìm kiếm sự hỗ trợ của Liên hợp quốc nhằm xây dựng kho dự trữ lương thực thiết yếu, kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đảo quốc vượt qua cơn bĩ cực.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, Sri Lanka đối mặt tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu khác. Do thiếu ngoại tệ, các doanh nghiệp Sri Lanka không thể thanh toán những đơn hàng nhập khẩu quan trọng. Cùng với đó, tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục và người dân phải sống trong cảnh mất điện kéo dài.

Số liệu thống kê chính thức công bố ngày 1/6 cho thấy, tỷ lệ lạm phát tại Sri Lanka lập kỷ lục mới trong tháng 5 vừa qua và đây là tháng thứ 8 liên tiếp lạm phát tăng. Theo đó, Chỉ số giá tiêu dùng Colombo (CCPI) tăng 39,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 29,8% của tháng trước đó. Lạm phát lương thực cũng tăng lên 57,4%, từ mức 46,6% của tháng 4.

Mức tăng về giá cả trong tháng 5 vừa qua chưa phản ánh thực tế tình trạng tăng giá nhiên liệu, một trong những mặt hàng chủ chốt đang khan hiếm tại Sri Lanka. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng thực tế tăng nhanh hơn so với số liệu thống kê chính thức.

Nhằm đối phó tình trạng thiếu tiền mặt, Chính phủ Sri Lanka đã tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp với nỗ lực tăng thêm nguồn thu cho ngân sách. Ngoài ra, chính phủ cũng áp đặt thuế thu nhập đối với tiền lương và giảm bớt việc miễn thuế cho những người nộp thuế cá nhân. Bộ Tài chính Sri Lanka cho biết, nước này quyết định tăng thuế nhiều mặt hàng nhập khẩu, trong đó có rượu vang và phô-mai, một động thái nhằm hạn chế nhập khẩu và duy trì dự trữ ngoại hối.

Theo quyết định này, Sri Lanka sẽ áp dụng mức thuế cao hơn nhiều chủ yếu nhằm vào các mặt hàng xa xỉ, ngoài tầm với của hầu hết người dân nhưng được sử dụng phổ biến tại các khách sạn phục vụ du khách nước ngoài vốn là một nguồn thu chính. Từ ngày 1/6, phô-mai và sữa chua nhập khẩu được áp mức thuế mới 2.000 rupee Sri Lanka/1kg (5,5 USD/1kg). Thuế đối với chocolate tăng 200%. Các mức thuế bổ sung cũng được áp dụng với trái cây nhập khẩu, trong khi thuế đối với tất cả các loại đồ uống có cồn và thiết bị điện tử cũng tăng gấp hai lần.

Thiếu tiền mặt và lạm phát, giá cả tăng cao cùng với thời tiết không thuận lợi đã khiến Sri Lanka đối mặt tình trạng thiếu lương thực và đói kém rất trầm trọng. Nước này đã mất đi khoảng 50% sản lượng lúa trong năm ngoái. Vụ mùa mới nhất, bắt đầu từ tháng 5 vừa qua, gặp khó khăn do thiếu phân bón.

Theo tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Sri Lanka, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đang lập kế hoạch ứng phó khủng hoảng lương thực thông qua tăng cường nguồn dự trữ và cũng sẽ cung cấp các khoản hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của Sri Lanka. Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ giải ngân khoảng 700 triệu USD trong vài tháng tới nhằm giúp quốc gia Nam Á này vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng hiện nay.

Khoản tài chính của WB được coi là “phao cứu sinh” trong thời gian Sri Lanka chờ đợi các khoản hỗ trợ dài hạn thông qua Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các tổ chức quốc tế khác cũng như từ các nước tài trợ. Hiện Sri Lanka đang đàm phán với IMF về các gói cứu trợ cũng như thảo luận về cơ cấu lại nợ với các chủ nợ. Chính phủ Sri Lanka ước tính cần từ 3 đến 4 tỷ USD để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng hiện nay.

Cuộc sống người dân khó khăn dẫn tới nguy cơ bất ổn chính trị và xã hội. Với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, Chính phủ Sri Lanka đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nhằm vượt “bão khủng hoảng”, đưa đảo quốc Nam Á trở lại thời kỳ ổn định và phát triển ■