Sống lại nhà cổ Bao Vinh

Phố cổ Bao Vinh (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) một thời sầm uất nhưng hiện tại dần xuống cấp. Các ngôi nhà xây kiểu mới thay thế dần những dãy nhà cổ ven sông Hương. Nhà cổ với vài hàng cột gỗ đứng sừng sững như cố chống chịu sự tàn phá của thời gian.
0:00 / 0:00
0:00
Một căn nhà cổ ở phố cổ Bao Vinh đang xuống cấp.
Một căn nhà cổ ở phố cổ Bao Vinh đang xuống cấp.

Nhà cổ xuống cấp

Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 3 km về hướng đông bắc, phố cổ Bao Vinh được dòng Hương Giang ôm ấp. Mầu xanh con nước hòa với không khí phố chợ nhộn nhịp với gần 40 căn nhà cổ theo lối kiến trúc độc đáo.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện hơn 30 năm trước. Hiện nay, số lượng nhà cổ còn lại ở Bao Vinh chưa đến 10 căn.

Ông Lê Quang Chấc (77 tuổi) hiện là chủ nhân một căn nhà cổ ở Bao Vinh chia sẻ: “Nhà tôi được xây dựng vào năm 1916. Bốn thế hệ đã sống ở đây. Ngày xưa, các cụ chọn loại gỗ tốt nhất như mít, kiền để làm nhà. Tuy nhiên không gì có thể bền được mãi. Hiện tại, vài chỗ đã bị mối mọt. Có những thời điểm ngôi nhà bị hư phần mái ngói, phần nền bị bung thì tự gia đình bỏ công, bỏ tiền ra cải tạo. Cố gắng gìn giữ vừa để sinh sống, vừa bảo tồn ngôi nhà cổ của gia đình”.

Có những căn nhà ở Bao Vinh được làm theo kiến trúc nhà tứ giác, một kiểu nhà theo phong cách Pháp. Thời trước, khi cảng Bao Vinh còn nhộn nhịp, những quán xá mọc lên, lối kiến trúc nhà tứ giác được nhiều chủ nhà lựa chọn xây dựng, vừa thuận tiện buôn bán vừa tạo vẻ lạ mắt. Do vị trí nằm sát mép sông Hương nên vào mùa mưa lũ hằng năm, cả khu phố đều bị ngập sâu.

Cách nhà ông Chấc khoảng 100 mét là ngôi nhà có tuổi đời 150 năm của bà Phan Thị Diệu Liên (82 tuổi). Đây là ngôi nhà cổ hai tầng độc nhất ở Bao Vinh. Ngôi nhà cũng chịu tình trạng hư hại như bao căn nhà cổ ở khu phố này.

Mặc dù tám cây cột vẫn trụ vững theo thời gian nhưng mái ngói đã hư hỏng nghiêm trọng; có chỗ ánh mặt trời chiếu xuyên qua kẽ hở viên ngói bị bể.

“Mái nhà cổ ở Bao Vinh được lợp bằng loại ngói liệt mới đúng kiểu. Nhưng giờ muốn thay ngói bị hư cũng khó lắm. Tìm mua ngói liệt đúng kiểu cổ cũng không ra, nếu có thì giá thành đắt đỏ. Phần cột gỗ ngoài hiên bị mục rồi, tôi phải chấp nhận cho thợ xây tạm lại bằng xi-măng với gạch”, bà Liên bộc bạch.

Một thời quá vãng

Rảo bước dọc phố cổ Bao Vinh hôm nay, lác đác dọc hai bên đường là những hàng quán ăn uống, đồ gia dụng... Không khí tấp nập người buôn, kẻ bán trên bến dưới thuyền vài chục năm trước không còn.

Bà Liên mường tượng lại những năm tháng tuổi đôi mươi của mình, thuở đó bến cảng Bao Vinh còn hoạt động, hàng trăm ghe, thuyền từ Quảng Nam và các tỉnh lân cận thường xuyên chở hàng hóa ra trao đổi, mua bán.

“Hồi tôi còn trẻ, ở đây chưa có xoong, nồi như bây giờ. Chủ yếu là mua bán đồ bằng đất nung, đắt hàng lắm. Ghe, thuyền trên sông Hương ra vào bến liên tục”, bà Liên kể.

Do là căn nhà gỗ hai tầng duy nhất ở phố Bao Vinh, nhà của bà Liên là nơi bà con hàng xóm gửi đồ đạc, trú ngụ tránh lụt mỗi năm. Đợt lũ lớn năm 1999, ghe bầu lớn nhỏ chi chít đậu sát thềm nhà. Hơn 20 người quanh xóm được gia đình bà Liên gọi sang tránh lũ.

Nét đẹp trong lối sống ở khu phố từ xưa đến nay vẫn vậy. Dù vậy, do cuộc sống đổi thay, những mái nhà cổ tứ giác ven sông Hương giờ đây được thay thế bởi nhà xây bằng xi-măng trên nền cọc bê-tông dọc con sông.

Vẻ nhếch nhác ngày càng lộ rõ ở mặt sau khu phố. Người đàn ông chèo đò ngoài 60 tuổi mỗi ngày đưa khách qua lại sông tỏ vẻ buồn rầu. Ông cho biết, ông làm nghề đưa đò ở đây đã mấy chục năm, chứng kiến con phố xuống cấp từng ngày.

Trước kia, dòng sông trong xanh cả năm, giờ đây bèo rác cứ đổ về. Đội dọn vệ sinh môi trường thường xuyên ra quân dọn dẹp nhưng cũng không vớt hết được.