Sống động những ký ức về Đội sau “80 mùa hoa lớn lên cùng đất nước”

NDO -

Qua Hành trình “Em yêu Tổ quốc Việt Nam” và đặc biệt là Tọa đàm “Đội TNTP Hồ Chí Minh - 80 mùa hoa lớn lên cùng đất nước”, ngọn lửa truyền thống từ những phong trào góp sức dựng xây Tổ quốc của lớp lớp thiếu niên, nhi đồng Việt Nam đã trở nên sống động, chân thực, được tiếp nối, trao gửi đến nhiều thế hệ tương lai.

Sinh thời, Bác Hồ luôn dành tình cảm đặc biệt cho thiếu niên, nhi đồng. (Ảnh tư liệu)
Sinh thời, Bác Hồ luôn dành tình cảm đặc biệt cho thiếu niên, nhi đồng. (Ảnh tư liệu)

Bác Hồ với phong trào thiếu niên, nhi đồng

Tọa đàm do Hội đồng Đội T.Ư tổ chức tại TP Cao Bằng vào sáng 5-5, với sự chủ trì của các đồng chí nguyên Ủy viên T. Ư Đảng: Lê Thanh Đạo, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư khóa I; Hoàng Bình Quân, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư khóa III; đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Là một trong những diễn giả cao tuổi nhất tại buổi Tọa đàm, GS, TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư gợi mở: “Có ý kiến cho rằng, trong 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng, sao không thấy “Thương yêu cha mẹ”?

“Thực tế, Người rất chú trọng tới yêu cầu giáo dục đó. Năm học mới đầu tiên sau ngày 2-9-1945 lịch sử, Bác đã có thư gửi học sinh, trong đó căn dặn “các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn” và “mong các em ngoan ngoãn, đó hiển nhiên là yêu thương cha mẹ”, GS, TS Hoàng Chí Bảo, “pho sử sống” về Bác Hồ cho biết.

Theo GS, TS Hoàng Chí Bảo, dịp Tết Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ khuyên: “Các em phải ngoan, ở nhà phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng, đối với thầy và bạn phải yêu kính”. “Mong các em mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập tự do”…

“Chỉ qua mấy lời đó, Người đã truyền cho thiếu nhi điều cốt yếu của đạo đức và chính trị một cách giản dị, tự nhiên, không chút khiên cưỡng. Người dặn các cháu việc ở nhà, việc đến trường, từ hôm nay còn thơ bé đến mai sau trưởng thành”, GS, TS Hoàng Chí Bảo nói.

2_IMG_6614-1620187083161.jpg
GS, TS Hoàng Chí Bảo ôn lại 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng tại Tọa đàm. 

Đồng tình với ý kiến nêu trên, Anh hùng Lao động, NGND Nguyễn Đức Thìn, tác giả phong trào “Nghìn việc tốt” của Đội TNTP Hồ Chí Minh, bồi hồi nhớ lại thời điểm tỉnh Bắc Ninh ra quyết định thành lập Trường cấp 2 Liên Sơn (nay là Trường THCS Tam Sơn) chỉ với sáu lớp học, 11 giáo viên và hơn 300 học sinh.

Chưa có trường xây mới, các lớp học tại cầu thờ và cầu chợ dưới chân chùa Tam Sơn. Năm học đầu tiên, sáu giáo viên là đoàn viên thanh niên lao động của trường đã hăng hái đề xuất và được thông qua việc thành lập Chi đoàn, Liên đội TNTP mang tên Ngô Gia Tự vào ngày 1-9-1961, dần trở thành mũi nhọn trong phong trào thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy trên cả nước lúc bấy giờ.

Ngày 24-3-1963, sau hơn một giờ tổ chức lao động trồng cây, Chi đoàn, Liên đội TNTP mang tên Ngô Gia Tự họp tổng kết ở sân trường. Phát huy việc tốt vừa làm được, trong vai trò Tổng phụ trách Đội Nguyễn Đức Thìn đã đề xuất sáng kiến phát động phong trào mới “Thi đua làm nghìn việc tốt thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành Cháu ngoan Bác Hồ” hay gọi tắt là “Nghìn việc tốt”.

Qua phong trào “Nghìn việc tốt”, các Tổng Phụ trách Đội đã phát huy mạnh mẽ vai trò thắp lửa, để thiếu niên, nhi đồng cả nước tự quản, tự nguyện, tự giác tham gia hàng nghìn việc tốt như mũ rơm, túi thuốc đến trường thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; bớt nắm gạo góp gửi ra chiến trường, nuôi gà tặng bộ đội; ngày chủ nhật thăm giúp gia đình thương binh, liệt sĩ, làm đồng cùng hợp tác xã, chăm sóc trâu, bò béo khỏe…

Nhiều điểm sáng “tiếp lửa” phong trào

Thấm nhuần 5 điều Bác Hồ dạy, lớp lớp thế hệ cán bộ Tổng Phụ trách Đội, thiếu niên, nhi đồng cả nước luôn hăng hái, sôi nổi thi đua làm “Nghìn việc tốt”, góp sức xây dựng Tổ quốc. Qua đây, xuất hiện nhiều điểm sáng về phát huy vai trò lực lượng Tổng phụ trách Đội, nâng cao chất lượng phong trào thiếu niên, nhi đồng.

Năm 2015, Hội đồng Đội tỉnh Kiên Giang quyết định thành lập Hội đồng Huấn luyện kỹ năng tỉnh Kiên Giang với 15 thành viên, có nhiệm vụ tham mưu các chủ trương, giải pháp và tổ chức các hoạt động huấn luyện kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đội cho đội ngũ cán bộ phụ trách thiếu nhi và Chỉ huy Đội các cấp trên địa bàn tỉnh.

3_IMG_6692-1620187083646.jpg
 Đại biểu là đội viên ưu tú, tiêu biểu tham gia Tọa đàm.

Từ khi ra đời tới nay, Hội đồng triển khai được năm Trại huấn luyện, thu hút hơn 500 lượt giáo viên làm Tổng Phụ trách Đội; năm lớp tập huấn với hơn 400 cán bộ, chỉ huy Đội tham gia; tám chương trình Học kỳ Quân đội, một chương trình Học kỳ Công an nhân dân cho hơn 1.000 lượt thiếu niên, nhi đồng…

Theo chia sẻ của đại diện Hội đồng Đội tỉnh Kiên Giang, thành quả nêu trên có được nhờ những hướng đi cụ thể, quyết liệt, căn cơ gồm: Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể, phù hợp sở trường của từng thành viên Hội đồng Huấn luyện; thường xuyên tạo điều kiện nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn của các thành viên Hội đồng Huấn luyện.

Tương tự, Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (TP Hà Nội) cũng có riêng một Ban Thiếu nhi phụ trách hoạt động ngoại khóa và công tác Đội gồm khoảng 5-7 thành viên là Bí thư Đoàn trường, Tổng Phụ trách Đội, giáo viên các môn mỹ thuật, âm nhạc, thể thao… đặt dưới sự điều hành trực tiếp từ một Phó Hiệu trưởng nhà trường.

Toàn bộ phong trào thiếu nhi của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm được thiết kế khép kín theo hướng gần gũi, thay đổi hình thức liên tục để học sinh tham gia thay vì chỉ tham dự, tiêu biểu như Ngày hội tranh cử Liên đội trưởng, giành chuyên hiệu Nghi thức Đội, Ngày hội từ thiện “Vầng trăng yêu thương”, “Nuôi lợn đất thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam”, Hội trại học tập…

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội T.Ư, nhận định: Các tham luận tại Tọa đàm đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục về lịch sử 80 năm của Đội TNTP Hồ Chí Minh; góp phần khơi dậy niềm tự hào, truyền thống vẻ vang của Đội, củng cố, cổ vũ niềm tin, khát vọng, ý chí và hành động của thiếu niên, nhi đồng cả nước.