Tham gia vào hoạt động trải nghiệm có các nghệ nhân và đồng bào dân tộc H’Mông đến từ huyện Mộc Châu và thành phố Sơn La, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 754, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, học sinh Trường THPT nội trú tỉnh Sơn La cùng đông đảo du khách và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Tại chương trình, cán bộ, chiến sĩ, các em học sinh và du khách được vui chơi, tìm hiểu, trải nghiệm bản sắc văn hóa dân tộc H’Mông thông qua các hoạt động, như: trình diễn thổi khèn, thổi sáo, chơi các trò chơi dân gian, rồng ấp trứng, đẩy gậy, đi cà kheo, ném pao.
Đồng thời, du khách còn được trải nghiệm ẩm thực làm bánh dày, nấu thắng cố và được quan sát làm quả pao và tạo hoa văn trên vải của đồng bào dân tộc H’Mông…
Hoạt động trải nghiệm còn giới thiệu, quảng bá nét văn hóa dân tộc H’Mông Sơn La, đặc biệt là nghệ thuật khèn của đông bào H’Mông và nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông Hoa, huyện Mộc Châu là hai di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục quốc gia.
Bà Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La, cho biết, ở huyện Mộc Châu có hai di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đó là: Nghệ thuật khèn Mông và nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của dân tộc H’Mông.
Để tổ chức một chương trình trải nghiệm, các cán bộ bảo tàng tỉnh Sơn La đã phải tham gia, khảo sát, điền dã tại các bản dân tộc để nắm được những phong tục truyền thống của dân tộc đó để lên chương trình.
Nghệ nhân Vàng Thị Ly, bản Tà Số 2, huyện Mộc Châu tự hào chia sẻ: "Nghề thêu hoa văn của đồng bào H’Mông vẫn thường xuyên được gìn giữ. Đây là bản sắc của đồng bào H’Mông, chúng tôi sẽ truyền lại cho nhiều đời sau để nghề truyền thống không bị mai một. Hôm nay cũng là dịp để chúng tôi giới thiệu nét đặc trưng này đến du khách và người dân Sơn La".
Sơn La là một vùng đất với văn hóa đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc, nơi hội tụ sinh sống từ lâu đời của 12 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc đều có một kho tàng di sản văn hóa mang sắc thái riêng và hết sức quý giá.
Đồng bào dân tộc H’Mông Sơn La thường sống tại các xã vùng núi cao của 12 huyện, thành phố,… chiếm hơn 15% dân số trên địa bàn tỉnh. Đây là dân tộc có nhiều phong tục, tập quán và giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu hiện đang được lưu truyền, phổ biến trong trong đời sống hằng ngày.
Những hoạt động giáo dục trải nghiệm như vậy sẽ góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc H’Mông, đồng thời quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Sơn La nói chung và các dân tộc thiểu số nói riêng đến với du khách thập phương, góp phần tích cực vào việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La.