Bước đi đầu tiên trong xây dựng nông thôn mới ở các xã biên giới của tỉnh Sơn La là làm đường giao thông nông thôn để góp phần tăng cường trao đổi hàng hóa với các tỉnh Bắc Lào, kết nối du lịch xã biên giới với các khu du lịch tại địa phương trong tỉnh. Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Khương Tòng Văn Phong cho biết: "là xã biên giới có cửa khẩu quốc gia với hơn 23 km đường biên giới chung với nước bạn Lào, Đảng ủy xã đã có chủ trương gắn xây dựng NTM với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, thực hiện tốt chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước”. Để khai thác lợi thế cửa khẩu quốc gia Chiềng Khương, xã đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn, kết nối các tuyến đường liên xã, liên thôn với trung tâm xã, tạo thuận lợi cho người dân đi lại trao đổi hàng hóa. Nhờ vậy, đời sống người dân không ngừng nâng lên, nhiều hộ gia đình thu nhập đạt từ 100 triệu đồng trở lên.
Mường Hung cũng là xã biên giới của huyện Sông Mã có đường biên giới tiếp giáp với Khết Nà Cáy, huyện Mường Ét nước bạn Lào với 15,5 km đường biên giới. Mặc dù đã có đường tuần tra biên giới trải bê-tông nối các bản giáp biên và quốc lộ 4G chạy xuyên qua địa bàn xã, nhưng xã Mường Hung vẫn tổ chức vận động, tuyên truyền tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao của nhân dân trong xã hiến đất, đóng góp tiền của, công sức tham gia xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa bản.
Tuy là xã biên giới nhưng Nậm Lạnh, huyện biên giới Sốp Cộp không có cửa khẩu, cũng chẳng có quốc lộ đi qua. Bên cạnh đó, trình độ dân trí nơi đây thấp, nhiều hộ dân vẫn còn du canh, du cư theo tập quán cũ, cho nên Nậm Lạnh trước đây được tỉnh Sơn La xếp vào loại xã đặc biệt khó khăn. Năm 2012, Đảng bộ xã ra Nghị quyết xác định phải phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế để tập trung phát triển kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, trước hết là xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Để mở rộng đường giao thông thôn, bản, các hộ gia đình trên địa bàn đã hiến gần 20.000m2, trong đó nhân dân các bản Phổng, Co Hốc, Cang, Lạnh Bánh, Púng Tòng đóng góp gần 15.000 ngày công và hơn 157 triệu đồng bê-tông hóa đường nội bản. Theo Chủ tịch UBND xã Nậm Lạnh Vì Văn Định, đến nay xã đã hoàn thành được 175 tuyến đường, trong đó, Nhà nước hỗ trợ hơn 3,5 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 9 tỷ đồng. Trong năm 2016, xã hoàn thiện 176 tuyến đường giao thông liên bản, liên xã với tổng chiều dài 14 km.
Những ngày này, trên các tuyến đường về các thôn, bản ở xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, ai cũng phấn khởi vì được đi trên con đường mới, chất lượng tốt hơn trước rất nhiều. Đây là kết quả của Nhà nước và nhân dân cùng làm, Nhà nước hỗ trợ gần 2,4 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 2,1 tỷ đồng, 40 cán bộ, chiến sĩ (thuộc Ban Chỉ huy quân sự huyện Mộc Châu) đóng quân trên địa bàn xã tham gia đóng góp ngày công để làm đường. Tuyến đường có tổng chiều dài hơn 6km nối từ trung tâm xã đến ba bản của đồng bào Mông đã và đang góp phần quan trọng trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần củng cố tình đoàn kết, gắn bó quân - dân.
Được biết, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh Sơn La đã bê-tông hóa gần 1.000 tuyến đường liên xã, liên bản, nội bản với tổng chiều dài gần 500 km, tổng kinh phí thực hiện 500 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ gần 160 tỷ đồng, còn lại do nhân dân đóng góp bằng tiền, vật liệu và hàng chục nghìn ngày công lao động. Ngoài ba xã đạt chuẩn NTM năm 2015, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Sơn La tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Trong đó, chú trọng xây dựng nông thôn mới tại các xã biên giới của tỉnh nhằm nâng cao đời sống, tinh thần của nhân dân, đồng thời xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia gắn với chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước.