Sau gần một tuần ứng phó với thiên tai, dù nước lũ đã rút, nhưng đến nay tại tỉnh Sơn La vẫn còn hai huyện Bắc Yên và Phù Yên bị chia cắt, nhiều địa bàn vẫn mất điện, mất nước. Tỉnh Sơn La đã cử nhiều đoàn công tác đến hiện trường, thực hiện nhiều giải pháp khắc phục hậu quả nhưng rất chậm do khối lượng đất đá sạt lở và mức độ tàn phá của mưa lũ quá lớn.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trận mưa lũ vừa qua tuy không gây thiệt hại nặng về người, toàn tỉnh chỉ có một người ở Nà Bó, huyện Mai Sơn bị lũ cuốn trôi, nhưng do mưa lớn bất thường nên đã có 1.961 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó 147 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng nặng, 843 ngôi nhà bị ngập nước, 616 ngôi nhà phải di dời khẩn cấp. Hàng trăm héc-ta hoa màu đang chuẩn bị thu hoạch bị ngập nước và hư hỏng, hàng chục con trâu bò, hàng nghìn con gia cầm bị lũ cuốn trôi, cuộc sống của hàng nghìn hộ dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Theo thống kê sơ bộ, đến chiều 4-9, toàn tỉnh có 435 điểm sạt lở giao thông, trong đó tuyến quốc lộ có 244 điểm sạt lở, đường tỉnh có 191 điểm. Ngay sáng 3-9, khi mưa đã ngớt nhưng tại Km 253 chân đèo Chiềng Ðông một đoạn đường dài đã bị nứt, sụt lún rất nguy hiểm...
Trước tình hình mưa lũ diễn biến bất thường gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của bà con nhân dân, UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp ứng phó với thiên tai. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Minh Hùng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La thì vấn đề quan trọng đầu tiên phải làm là nâng cao ý thức phòng, chống thiên tai cho người dân. Sở dĩ năm nay Sơn La giảm số người chết là do bà con đã nâng cao được nhận thức, phòng tránh có hiệu quả. Ngay tại huyện Mai Sơn vừa qua, nếu không có tiếng còi hú báo động và hướng dẫn của chính quyền thì số người bị lũ bất ngờ trên suối Nậm Pàn cuốn đi sẽ không ít. Mặc dù mức nước dâng và lũ trên các sông, suối năm nay đều được cho là bất thường nhưng không có trường hợp nào đáng tiếc xảy ra.
Do có sự chủ động nên khi mưa lũ xảy ra, chính quyền các địa phương cùng bà con nhân dân sở tại, anh em họ hàng và các lực lượng cứu hộ tỉnh, huyện, xã đã tham gia ứng cứu, hỗ trợ các gia đình bị nạn. Nhờ đó, hầu hết các gia đình đều được di chuyển đến nơi an toàn, được bà con nhân dân hỗ trợ cho vay mượn để dựng nhà ở nơi mới. Ðiều đáng chú ý là việc sắp xếp, bố trí dân cư theo hình thức xen ghép, tinh thần "lá lành đùm lá rách" được phát huy cho nên mùa mưa lũ năm nay mặc dù số hộ phải di dời tăng, nhưng không phải quy hoạch tìm điểm tái định cư.
Trong câu chuyện cưu mang giúp đỡ bà con trong mưa lũ, tại thị trấn huyện Mai Sơn có hàng chục trường hợp, hàng trăm câu chuyện nghĩa tình rất đáng trân trọng. Ðó là khi thấy lũ tràn vào nhiều hộ gia đình sinh sống gần dưới chân cầu Hát Lót (gần suối Nậm Pàn) bị ngập nước, cửa hàng thẩm mỹ Ngọc Hân, tại thị trấn Hát Lót đã dùng mạng xã hội kêu gọi mọi người ủng hộ, giúp đỡ các gia đình bị nạn. Chỉ trong ngày 31-8 đã quyên góp được 55 triệu đồng, đồng thời tổ chức phân chia số tiền tuy ít ỏi nhưng đầy tình nghĩa cho các gia đình ở đây. Cửa hàng điện máy Minh Lâm, cũng tại thị trấn Hát Lót đã xuất những chiếc máy đang bày bán, cử nhân viên hỗ trợ giúp bà con hút bùn đất, dọn dẹp sau nước ngập được mọi người ghi nhận tấm lòng thơm thảo. Còn rất nhiều trường hợp khác trong cộng đồng chia cơm, sẻ áo, hỗ trợ đồ dùng cho bà con vùng lũ tỉnh Sơn La.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Sơn La cho biết, trong lúc ngổn ngang công việc khắc phục hậu quả mưa lũ thì việc lo lắng chuẩn bị khai giảng năm học mới được đặt lên hàng đầu. Trong đợt mưa lũ vừa qua, tỉnh Sơn La có 11 trường tại sáu huyện bị ảnh hưởng. Trong đó, Trường tiểu học và Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Tà Hộc bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Cho đến ngày 4-9, đường từ trung tâm huyện vào xã Tà Hộc vẫn bị chia cắt, không đi lại được. Theo cô Hiệu trưởng Trường tiểu học Tà Hộc Lê Thị Nguyệt, thì cả hai trường trên địa bàn có khoảng 900 học sinh. Khi xảy ra lũ, toàn bộ trường bị lũ tràn qua, trôi và hư hỏng mất 65 bộ bàn ghế, toàn bộ đồ dùng nhà bếp nấu ăn cho các cháu cũng bị cuốn trôi. Trường bị phủ lớp bùn đất dày từ 10 đến 30 cm.
Trong suốt bốn ngày qua, các lực lượng, thầy cô giáo và bà con nhân dân tham gia nạo vét, dọn dẹp, đến nay mới tạm ổn. Với quyết tâm triển khai năm học đúng tinh thần vượt lên mưa lũ, hai khối trường tiểu học và phổ thông dân tộc bán trú vẫn tổ chức khai giảng đúng ngày 5-9. Nhưng có thể ngày khai giảng chỉ có khoảng 40 - 50% số học sinh tham gia, vì rất nhiều em do nhà xa, còn tắc đường chưa thể đi học. Cả hai trường hiện có 62 thầy, cô giáo tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ, trong đó khoảng 30 thầy, cô giáo ăn ngủ tại trường, bám trường, bám lớp tham gia dọn dẹp chuẩn bị cho năm học mới mà chưa về thăm gia đình.
Ðược biết, ngoài 11 trường học bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mưa lũ thì rất nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Sơn La cũng chịu ảnh hưởng gián tiếp. Bởi hiện nay nhiều địa bàn còn bị chia cắt, giao thông đi lại gặp rất nhiều khó khăn, sẽ ảnh hưởng việc đi lại của các cháu trong ngày khai giảng. Ðể giúp các cháu học sinh đến trường trong dịp khai giảng và bà con nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, các ngành giao thông, điện lực đã triển khai nhiều biện pháp tích cực.
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Hợp Cường, trước ngày khai giảng, phần lớn các tuyến đường tỉnh về huyện, xã đã thông, với 91 điểm tắc nghẽn đã được khắc phục. Ðại diện Công ty Ðiện lực Sơn La cho biết, mưa lũ năm nay ngành điện bị thiệt hại nặng, với 332 trạm biến áp và hơn 33.000 khách hàng trên địa bàn các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Thuận Châu, Mường La, Phù Yên, Bắc Yên bị mất điện.
Ngay sau sự cố, công ty đã huy động tối đa nhân lực tại các đơn vị để xử lý, bảo đảm cấp điện trở lại. Ðến trước ngày 2-9, công ty đã cấp điện trở lại cho 245 trạm biến áp, với 27.000 khách hàng. Ðến chiều 4-9, đã cấp điện trở lại được 287 trạm biến áp, với tổng số 30.851 khách hàng. Hiện vẫn còn 45 trạm biến áp và 2.676 khách hàng bị mất điện thuộc huyện Phù Yên và Mai Sơn do giao thông đang bị chia cắt.
Nỗ lực của tỉnh Sơn La trong đợt mưa lũ vừa qua rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, do diễn biến bất thường nên mưa lũ lần này để lại hậu quả nặng nề cả về tài sản, hoa màu của người dân và cơ sở hạ tầng, giao thông, điện. Sơn La rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ để nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định đời sống, sản xuất của người dân.