Sơn La: Dấu ấn sau năm năm thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả

NDO -

Ngày 17-3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã tổ chức Hội nghị đánh giá năm năm (giai đoạn 2016 – 2020) thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả. Đây được coi là dấu mốc quan trọng, điểm nhấn trong quá trình chuyển dổi cơ cấu phát triển nông nghiệp nông thôn và chuyển hướng phát triển kinh tế bền vững, gắn với bảo vệ môi trường ở tỉnh miền núi Sơn La. 

UBND tỉnh Sơn La tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu tại Hội nghị.
UBND tỉnh Sơn La tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu tại Hội nghị.

Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông; Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cùng đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương. Gần 400 đại biểu tiêu biểu của các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp và các hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh của Sơn La đã về dự.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, nhấn mạnh: Nhờ tiềm năng, lợi thế thuận lợi về đất đai, khí hậu, Sơn La đã tìm hướng phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương. Cách đây năm năm tỉnh đã ban hành nhiều chủ chương, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó trọng tâm là chủ trương phát triển cây ăn quả, phát triển hợp tác xã nông nghiệp; qua đó, nông nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định chủ trương đúng đắn, phù hợp, tận dụng được nguồn lực, khai thác được các lợi thế để khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất theo chuỗi giá trị, mở rộng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống sản xuất cho đồng bào các dân tộc.

Sơn La: Dấu ấn sau năm năm thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả -0
 Trao đổi kinh nghiệm trồng na tại HTX na Mé Lếnh, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Đến nay, tỉnh Sơn La có 78.850 ha cây ăn quả và cây sơn tra, gấp gần bốn lần so với đầu năm 2016; tổng sản lượng quả 336.330 tấn, tăng 185,1% so với năm 2016; giá trị sản xuất quả theo giá trị hiện hành đạt 3.038,3 tỷ đồng; giá trị sản xuất trên 1 ha trồng cây ăn quả đạt bình quân hơn 200 triệu đồng/ha/năm (là tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền bắc và đứng thứ hai cả nước); có 17.538 ha diện tích cây trồng được áp dụng quy trình sản xuất an toàn; 4.701 ha cây ăn quả được cấp 181 mã số vùng trồng; chín sản phẩm quả mang thương hiệu Sơn La (trên tổng số 21 sản phẩm nông sản của tỉnh) được cấp bằng bảo hộ; 123 chuỗi quả với tổng diện tích sản xuất đạt 2.399 ha; 301 doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trồng cây ăn quả với diện tích 6.766 ha; 25 sản phẩm OCOP các loại quả (trong tổng số 83 sản phẩm OCOP của tỉnh).

Đến nay, toàn tỉnh có 614 hợp tác xã nông nghiệp, tăng 522 hợp tác xã so với đầu năm 2016 (trồng trọt 208 HTX, chăn nuôi 20 HTX, 8 HTX lâm nghiệp, 64 HTX thủy sản, hai HTX nước sạch nông thôn, 312 HTX nông nghiệp tổng hợp).

Đặc biệt, nhờ tích cực mời gọi, thu hút đầu tư, đến nay Sơn La đã có nhiều tập đoàn kinh tế lớn vào đầu tư làm ăn. Trong đó, có Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Tập đoàn Nafoods; Nhà máy chế biến quả, đồ uống nước hoa quả công nghệ cao của Tập đoàn TH; Nhà máy chế biến rau quả DOVECO Sơn La của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Đến nay, toàn tỉnh có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, tăng tám nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu quy mô lớn so với năm 2015. Nhờ đẩy mạnh phát triển cây ăn quả, Sơn La đã xuất khẩu được 16 mặt hàng nông sản sang thị trường 14 nước (Australia; Pháp; Mỹ; Nhật, Nga...) chiếm 92% tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng của tỉnh; giá trị nông sản tham gia xuất khẩu đạt 104,05 triệu USD; trong đó xuất khẩu được 21.077 tấn sản phẩm trái cây, bằng 19,4% tổng sản lượng xuất khẩu nông sản, đạt 16,143 triệu USD.

Cũng nhờ chủ trương phát triển cây ăn quả và chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần đổi mới diện mạo đời sông nông thôn. Toàn tỉnh hiện có 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới, ba xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 46 xã so với năm 2015), bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, không còn xã khó khăn đạt dưới năm tiêu chí về nông thôn mới.

Năm 2021, là năm đầu Sơn La triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm vụ đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La cần tập trung vào cuộc, đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh hơn nữa phát triển cây ăn quả một cách hiệu quả, bền vững, gắn với bảo vệ môi trường.

Tại Hội Nghị này, Sơn La xác định tỉnh cần thực hiện hai Đề án trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV về lĩnh vực nông nghiệp. Đó là "Đề án Phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và "Đề án về phát triển Công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030", phấn đấu xây dựng Sơn La trở thành trung tâm sản xuất, chế biến nông sản khu vực Tây Bắc.

Sơn La tiếp tục đẩy mạnh việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác; tăng cường ứng dụng các quy trình sản xuất tốt, sản xuất an toàn, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị hàng hóa nông sản. Tiến hành rà soát, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp theo ba cấp sản phẩm (Sản phẩm chủ lực quốc gia; sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; sản phẩm đặc sản địa phương - OCOP). Tiến hành tổ chức cấp mã số vùng trồng và triển khai có hiệu quả Luật Trồng trọt. Tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông sản tập trung đồng bộ với quy hoạch mạng lưới các nhà máy chế biến.

Nhân dịp này, UBND tỉnh tặng Bằng khen 17 tập thể, 17 cá nhân có thành tích trong việc thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả, phát triển HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; tặng Bằng khen tám tập thể và 17 hộ gia đình có thành tích trong sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp năm 2020.