Người dân bức xúc vì chờ di dời
Hơn 10 năm nay, hơn 60 hộ dân ở ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú, huyện Hậu Thành, tỉnh Hậu Giang phải sống trong cảnh chờ đợi di dời. Những căn nhà cấp 4 đã xuống cấp, nhưng phải giữ nguyên hiện trạng nhà cửa, đất đai, bởi nơi họ đang sống vướng vào quy hoạch đất Khu công nghiệp Sông Hậu. Do vướng quy hoạch, việc mua bán, làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… đều đình trệ. Nhiều gia đình đông đúc, cả ông bà, cha mẹ và các con phải chen chúc sống trong căn nhà tạm bợ mà không biết bao giờ có dự án thực hiện.
Chỉ vào vết nứt trên vách tường phía sau bàn thờ, bà Lê Thị Yến cho biết, căn nhà này xây hơn 30 năm rồi, xuống cấp trầm trọng, mà gia đình bà không dám sửa. “Trước đây, Nhà nước thu hồi 5 công đất vườn của tôi để giao cho dự án từ thời Vinashin thì tôi mới có tiền cưới vợ cho con trai. Thế mà giờ cháu nội đã 10 tuổi rồi, nhưng dự án vẫn chưa thấy động tĩnh gì” - bà Yến bức xúc.
Hầu hết các hộ dân tại đây vốn có đất, vườn. Từ khi công bố quy hoạch khu công nghiệp, mọi hoạt động sản xuất đều phải “án binh bất động”. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Như cho biết: “Nhà cửa không dám xây cất, vườn tược ngày càng hoang hóa vì không cải tạo, chỉ trồng cây ngắn ngày, không dám trồng cây lâu năm nữa”. Được biết, năm 2007, sau khi thành lập Khu công nghiệp Sông Hậu, tỉnh Hậu Giang có quy hoạch 216 ha đất của dân nơi đây để giao cho dự án Vinashin và đã chi trả bồi thường cho dân hơn 222 tỷ đồng, với diện tích thu hồi 171 ha. Tuy nhiên, dự án này không được thực hiện, mà bàn giao lại cho Vinalines, nên diện tích còn lại khoảng 45 ha của hơn 60 hộ dân kể trên bị “treo” đến giờ.
Thực tế, ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đều có tình trạng quy hoạch “treo”, công trình, dự án chậm triển khai. TP Vị Thanh là trung tâm tỉnh lỵ, được “ưu ái” triển khai nhiều dự án nhằm mở rộng kiến trúc không gian đô thị, nhưng cũng đang gặp phải tình trạng này. Điển hình như: dự án Khu thương mại dân cư và tái định cư phường IV và xã Vị Tân, do Công ty cổ phần Liên Minh đầu tư, diện tích 34,5 ha, triển khai từ năm 2004 đến nay chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật giai đoạn I với quy mô 5 ha. Hay như dự án Khu dân cư Thương mại 586 Hậu Giang, quy mô 35,5 ha, sau 14 năm thực hiện, tiến độ mới đạt khoảng 50%. Chưa kể, hiện khu dân cư đã có 243 hộ vào sinh sống, nhưng chưa được giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì chủ đầu tư đã đem thế chấp ở ngân hàng. Hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn chỉnh, chủ đầu tư không thanh toán tiền nên điện, nước thường xuyên bị cắt... khiến người dân càng thêm phần bức xúc.
Chưa hết, dự án Khu dân cư thương mại Vị Thanh, do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng làm chủ đầu tư, với quy mô hơn 200 ha, được thực hiện từ năm 2006, nhưng đến nay mới thực hiện đền bù 52,3 ha. Ngay như dự án khu dân cư phát triển đô thị khu vực 2 và 3, phường 5, có vị trí “đắc địa”, với quy mô 27,6 ha, nhưng gần 10 năm triển khai, nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư và xây lắp Dầu khí Sài Gòn vẫn chưa thực hiện xong phần cơ sở hạ tầng của phân khu I với diện tích chỉ 3,5 ha… Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh Nguyễn Văn Hòa cho biết: “Hiện có 13 công trình, dự án trên địa bàn triển khai rất chậm. Điều đáng nói là các chủ đầu tư đã nhiều lần cam kết với lãnh đạo tỉnh và thành phố, nhưng tiến độ vẫn ì ạch, gây nhiều lãng phí và bức xúc cho người dân”.
Cần chế tài mạnh mẽ
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu, toàn tỉnh có 55 dự án chậm triển khai kéo dài nhiều năm. Các dự án này đã được thực hiện giải phóng mặt bằng và bàn giao đất vào thời điểm trước năm 2013 cho nhà đầu tư và đến nay còn đang trong giai đoạn triển khai thực hiện. Đối với việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất trong giai đoạn từ năm 2014 trở lại đây, HĐND tỉnh ban hành bốn nghị quyết thông qua danh mục 807 công trình, dự án cần thực hiện, trong đó có 662 công trình, dự án đã và đang triển khai. Còn lại 145 công trình, dự án đã được ghi trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, nhưng quá ba năm chưa triển khai thực hiện.
Về nguyên nhân, ông Châu cho rằng: Việc tiếp thu Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai của các đơn vị thực hiện còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, công tác lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm tại cấp huyện chưa được kịp thời. Trong khi đó, dự báo về nhu cầu sử dụng đất để đầu tư xây dựng các công trình dự án chưa sát với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.
Việc xem xét khả năng thực hiện dự án chưa được đánh giá đầy đủ và toàn diện, làm ảnh hưởng đến tiến độ, nhất là các công trình, dự án dự kiến kêu gọi nhà đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Nhiều dự án đến nay vẫn đang trong giai đoạn kêu gọi, lựa chọn chủ đầu tư, dẫn đến việc thực hiện quy hoạch đạt kết quả thấp.
Mặt khác, việc đăng ký nhu cầu sử dụng đất trong kỳ quy hoạch của một số ngành, địa phương khá nhiều, nhất là các ngành sử dụng đất cơ sở sản xuất, kinh doanh, đất hạ tầng, đất cơ sở giáo dục, y tế và các công trình nhà văn hóa, khu thể thao nằm trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhưng chưa dự báo được chính xác nguồn vốn đầu tư. Nguồn vốn đầu tư xây dựng phần lớn phụ thuộc vào cân đối ngân sách T.Ư và tỉnh, nên khi nguồn vốn gặp khó khăn sẽ không thực hiện được các công trình, dự án như đã đăng ký. Năng lực của một số nhà đầu tư còn hạn chế, đầu tư mang tính cầm chừng, dẫn tới tiến độ thực hiện dự án bị chậm so với cam kết ban đầu...
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu nhìn nhận: Quy hoạch là một công cụ có tính hai mặt, nếu thực hiện tốt và có cơ sở khoa học, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nếu quy hoạch đã được thông qua mà những người thực thi không thực hiện tốt hoặc không khoa học thì nó sẽ là lực cản rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, UBND tỉnh đang thực hiện thành lập Tổ tham mưu xử lý thu hồi các dự án vốn doanh nghiệp chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh. Dự kiến trong tháng 7 này, Tổ tham mưu sẽ đi vào hoạt động.
Theo đó, hằng quý rà soát tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng các dự án; đồng thời ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 39/2014/QĐ-UBND (ngày 19-12-2014) và Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND (ngày 30-8-2016) về chính sách bồi thường, tái định cư cho phù hợp quy định hiện hành và tình hình thực tế tại địa phương (dự kiến sẽ ban hành trong quý III-2018). Định kỳ đối thoại doanh nghiệp để tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.
Cùng với đó, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đáng chú ý là, các trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư thì xem xét thu hồi theo quy định của Luật Đất đai. Riêng đối với 145 công trình, dự án được HĐND tỉnh thông qua, nhưng quá ba năm chưa triển khai thực hiện, sẽ chỉ đạo khẩn trương rà soát để thực hiện thu hồi dự án, xóa quy hoạch và xóa tên danh mục được phê duyệt trong Kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện...