Bảo đảm dịch vụ thông suốt
Sau thành công của việc ứng dụng công nghệ RFID trong thu phí tự động không dừng tại bãi xe Phủ Tây Hồ, từ ngày 15/04/2024, VETC tiếp tục được Hà Nội lựa chọn là một trong các đơn vị cung cấp giải pháp triển khai thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại một số bãi gửi xe trên địa bàn thành phố.
Để đáp ứng yêu cầu, trong thời gian ngắn, VETC đã khẩn trương lắp đặt thiết bị, hoàn thiện hệ thống công nghệ đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để bảo đảm quá trình vận hành diễn ra suôn sẻ và hiệu quả, đồng thời tăng cường các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật và dịch vụ khách hàng để người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ mới.
Theo khảo sát sau 1 tháng áp dụng, đa phần người dân đều cho rằng việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp công khai, minh bạch hoạt động trông giữ phương tiện; hạn chế tình trạng thu quá giá. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng tỏ ra băn khoăn cho rằng các đơn vị thu phí cần có giải pháp gì nhằm hạn chế tình trạng lỗi thẻ, lỗi thanh toán, trừ nhầm tiền như đã từng xảy ra tại các trạm thu phí cao tốc trong giai đoạn thí điểm.
Trước phản ánh này, ông Trần Ngọc Kiên, Giám đốc dự án thu phí tự động điểm trông giữ VETC cho biết, cho tới nay chưa thấy xuất hiện tình trạng lỗi thẻ. Trong trường hợp thẻ bị chập chờn, hệ thống sẽ nhận diện xe qua biển số xe để bảo đảm dịch vụ thông suốt.
“Trước những bỡ ngỡ ban đầu khi tiếp cận dịch vụ của người dân, VETC bố trí đội ngũ cộng tác viên thường trực tại các bãi trông giữ xe để hướng dẫn người dân. Đối với một số ngân hàng chưa hỗ trợ chuyển khoản hạn mức thấp 5.000 đồng, đơn vị đã có kiến nghị để ngân hàng cho phép chuyển khoản. Đồng thời, sử dụng mã QR động - mã QR hiển thị sẵn số tiền phí phải trả, qua đó tránh được việc khách hàng thao tác thủ công dẫn đến sai sót khi thanh toán.
Ngoài ra VETC còn triển khai đường dây nóng để người dân khi gặp các sự cố thanh toán có thể phản ánh và được hỗ trợ kịp thời”, đại diện VETC cho biết.
Chia sẻ về giải pháp công nghệ RFID, công nghệ này được Bộ Giao thông Vận tải đánh giá là phù hợp với văn hóa, môi trường giao thông tại Việt Nam, nhờ ba ưu điểm là mức độ nhận diện chính xác cao, chi phí sử dụng thấp và dễ dàng triển khai lắp đặt.
“Công nghệ RFID - nhận diện thẻ Etag định danh gắn trên phương tiện đã được chứng minh có độ chính xác cao, khẳng định được vị thế số 1 trong lĩnh vực thu phí tự động tại các nước có nền giao thông tương tự Việt Nam. Với cùng một thẻ RFID, một tài khoản định danh, người dùng có thể trả nhiều dịch vụ khác nhau liên quan đến phương tiện, ngoài dịch vụ thu phí tự động tại các Trạm BOT, chủ phương tiện có thể sử dụng để thanh toán phí bãi đỗ mà không phải xuất tiền mặt để thanh toán vé gửi xe như trước cùng các dịch vụ khác như thu phí sân bay, thanh toán xăng dầu, bảo hiểm…”, ông Kiên phân tích.
Nhà nước, chủ đầu tư, người dân cùng hưởng lợi
Sau 1 tháng thí điểm dịch vụ trông xe không tiền mặt, từ 7 bãi đỗ xe ban đầu, tới nay VETC đã phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội triển khai công nghệ RFID tới hơn 40 bãi đỗ xe của Thành phố. Mới đây nhất, thành phố Hồ Chí Minh cũng lựa chọn giải pháp này để áp dụng thí điểm. “Trong năm nay, ứng dụng sẽ được triển khai tại tất cả thành phố lớn hướng tới đến hết năm 2025 sẽ được nhân rộng trên toàn quốc”, ông Kiên cho biết.
Việc áp dụng công nghệ RFID vào hoạt động thanh toán phí gửi xe không dùng tiền mặt không những góp phần từng bước hình thành hệ thống giao thông thông minh mà còn tăng cường công tác quản lý nhà nước, minh bạch trong công tác thu phí dịch vụ trông giữ xe. Đại diện VETC cũng khẳng định, sau thời gian tiếp cận có thể thấy rõ lợi ích mà ứng dụng công nghệ mang lại cho người dân, cơ quan quản lý nhà nước và cả chủ đầu tư.
Khách hàng tiếp cận dịch vụ gửi xe thông minh không tiền mặt qua Ví VETC. |
“Đối với chủ đầu tư giải pháp giúp tránh thất thoát, giảm chi phí nhân công vận hành trực tiếp, giảm chi phí quản lý gián tiếp liên quan đến tiền mặt.Phía khách hàng thì được sử dụng dịch vụ minh bạch, tiện lợi, nhanh chóng.
Còn đối với cơ quan quản lý nhà nước, góp phần bảo đảm an ninh trật tự đô thị, tăng hiệu quả quản lý thuế, thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, hướng tới định danh phương tiện và chủ phương tiện”, ông Kiên phân tích và nhận định “Điều cần làm lúc này là cần sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước truyền thông thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người dân, cũng như thay đổi thói quen dừng đỗ phương tiện của người dân trong khu vực nội thành”.
Trước đó, tại buổi làm việc giữa Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) với TP Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó thường trực Tổ công tác nêu rõ: “Việc thu phí không dùng tiền mặt sẽ có hiệu ứng giảm ùn tắc từ cửa ngõ đến trung tâm thành phố và đặc biệt hạn chế được tội phạm có tổ chức ở những khu vực này.”
Thượng tướng lưu ý cần phân biệt rõ phân biệt rõ bãi đỗ và lòng đường. Trong đó chú ý các bãi trông giữ xe ở lòng đường với phương châm "dứt khoát ai có năng lực mới được làm, kết hợp với kinh nghiệm sử dụng camera, phạt nguội để triển khai".
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng khẳng định việc áp dụng công nghệ thông minh trong hoạt động trông giữ xe là cần thiết. Bởi thông qua các thiết bị công nghệ, an ninh có thể kiểm soát, quản lý chặt xe ra vào bãi đỗ. Mô hình này sẽ giúp cho hoạt động trông giữ xe được minh bạch, chuẩn chỉ hơn về giá cước, thuế phí.
“Vừa qua chúng tôi đã yêu cầu hơn 40 doanh nghiệp kinh doanh điểm đỗ xe trên địa bàn phải báo cáo ứng dụng công nghệ trong hoạt động trông giữ xe. Qua rà soát cho thấy bước đầu các đơn vị, khách hàng quen với sử dụng dịch vụ, đỡ bỡ ngỡ hơn những ngày đầu”, ông Bảo nói và cho biết, đối với người cao tuổi, một số người không sử dụng điện thoại thông minh vẫn được nhân viên hỗ trợ thu phí bằng tiền mặt.
Khách hàng đã bắt đầu quen khi sử dụng dịch vụ thanh toán không tiền mặt. |
Đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia giao thông đô thị Nguyễn Xuân Thuỷ nhận định: “Ứng dụng công nghệ mới tạo sự minh bạch, hạn chế tiêu cực, chặt chém tăng giá vô nguyên tắc. Tuy nhiên cần phải hướng tới đơn giản hoá, tạo thuận lợi hết sức cho người dân, đặc biệt là đối tượng người già vì một khi vẫn còn cho phép thu tiền mặt tức là còn kẽ hở tạo ra tiêu cực”.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng lưu ý ứng dụng công nghệ là phù hợp với xu hướng nhưng quan trọng hơn là cách thức tổ chức quản lý như thế nào, có thực sự khoa học, thực sự vì lợi ích chung hay không? “Tránh câu chuyện quản lý vỉa hè kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”, sau kiểm tra rồi đâu lại vào đấy. Một khi động vào lợi ích nhóm thì phải có cơ chế hậu quản, giám sát chặt chẽ, làm hết trách nhiệm, xử lý vi phạm nghiêm, thì mới hiệu quả. Cụ thể sau thí điểm cần rút ra cách thức quản lý dòng tiền đã thực sự công khai, minh bạch hay chưa, phân bổ ra sao, nhà nước có được thu đúng thu đủ hay không?”, ông Thuỷ nêu vấn đề.
Với sứ mệnh cung cấp sản phẩm và dịch vụ Giao thông thông minh vì sự phát triển của văn minh xã hội và tầm nhìn trở thành nhà cung cấp dịch vụ thu cước, phí điện tử giao thông và các dịch vụ giá trị gia tăng số 1 Việt Nam, hiện VETC phục vụ hơn 70% thị phần ETC, với 119 trạm thu phí, mạng lưới kết nối 635 làn thu phí huyết mạch, phục vụ hơn 3,3 triệu chủ xe ô tô, bình quân xử lý 1,4 triệu giao dịch mỗi ngày và lên tới 1,9 triệu giao dịch/ngày vào những dịp cao điểm. Kết quả này, VETC đã chứng minh doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ ETC, từ thiết kế, lắp đặt đến khai thác và vận hành.