Sớm tháo gỡ vướng mắc cho các khu công nghiệp ở Đồng Nai

Với 31 khu công nghiệp đang hoạt động, Đồng Nai hiện là địa phương có nhiều khu công nghiệp của nước ta. Thời gian qua, tại một số khu công nghiệp gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, hạ tầng kết nối đã cản trở việc thu hút đầu tư, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội, do đó, tỉnh cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa để sớm tháo gỡ.
0:00 / 0:00
0:00
Hạ tầng trong Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành đang được đầu tư.
Hạ tầng trong Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành đang được đầu tư.

Vướng mắc kéo dài

Khu công nghiệp Hố Nai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1998 với tổng diện tích gần 500 ha; trong đó, giai đoạn 1 là hơn 225 ha tại xã Hố Nai 3 và xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom. Từ năm 2000 đến nay, có 172 hộ dân đã nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng với diện tích hơn 210 ha, còn lại khoảng 14 ha đang vướng mặt bằng. Ở giai đoạn 2 cũng còn vướng gần 80 ha mặt bằng trong số 270 ha.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hố Nai Nguyễn Công Định cho biết: Dù đã hơn 25 năm kể từ ngày đi vào hoạt động, nhưng đến nay cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đều vướng với tổng diện tích khoảng 94 ha mặt bằng. Mặc dù thời gian qua, đơn vị đã được chính quyền các cấp hỗ trợ, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn còn khoảng 1/5 diện tích khu công nghiệp bị vướng mặt bằng, ảnh hưởng việc đầu tư mở rộng hạ tầng.

Tình trạng vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để mở rộng diện tích cũng xảy ra ở 10 khu công nghiệp khác đang hoạt động trên địa bàn Đồng Nai. Tổng cộng các khu công nghiệp đang vướng mặt bằng với diện tích đất khoảng 752 ha, trong khi, quỹ đất công nghiệp toàn tỉnh còn lại sẵn sàng để cho thuê chỉ khoảng 220 ha.

Điều này, dẫn đến nhiều nhà đầu tư lớn những năm gần đây đến tìm hiểu, rồi lại rời đi, vì diện tích không đủ lớn để đáp ứng xây dựng nhà máy. Ngoài mặt bằng thì việc đầu tư kết nối giao thông đồng bộ với các khu công nghiệp cũng là điểm yếu của Đồng Nai.

Khu công nghiệp Long Đức có diện tích hơn 282 ha, đang có 70 doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất với tổng số vốn hơn 2 tỷ USD. Hiện nay, khu công nghiệp này đang gặp bất lợi, khó mở rộng hạ tầng để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư đến thuê đất. Nguyên nhân là do đường giao thông kết nối giữa Khu công nghiệp Long Đức với bên ngoài chưa được đầu tư đồng bộ.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Long Đức Hiroyuki Ishii đã nhiều lần kiến nghị lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, huyện Long Thành sớm đầu tư nâng cấp đường giao thông kết nối khu công nghiệp với Quốc lộ 51, đáp ứng việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của các phương tiện vận chuyển và người lao động.

Dự án Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành với diện tích 410 ha có tổng vốn đầu tư 282 triệu USD, được khởi công xây dựng hạ tầng vào ngày 7/7/2023. Đây là khu công nghiệp công nghệ cao đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Doanh nghiệp đã thuê đất, xây dựng nhà máy, nhưng hạ tầng giao thông kết nối với khu công nghiệp này chưa được đầu tư đáng kể.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đô thị Amata Long Thành Thái Hoàng Nam cho biết: Hạ tầng trong khu công nghiệp đang được đầu tư, nhưng kết nối đường với ngoài khu công nghiệp đang gặp khó khăn. Theo ông Nam, Đồng Nai với lợi thế vị trí chiến lược rất tốt, thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, điểm hạn chế nhất của tỉnh là mật độ dân cư đông, cho nên quá trình thực hiện thu hồi đất, đền bù, tái định cư cho các hộ dân để xây dựng khu công nghiệp gặp khó khăn. Về hạ tầng giao thông, Đồng Nai dù có các quốc lộ lớn qua địa bàn, nhưng các trục giao thông đi vào tỉnh hiện nay đều quá tải, cản trở việc thu hút nhà đầu tư. Do vậy, địa phương cần quyết liệt hơn trong đầu tư hạ tầng kết nối bên ngoài khu công nghiệp, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Cần sớm giải quyết vướng mắc

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết: Để tháo gỡ những vướng mắc về giải phóng mặt bằng mà hàng loạt khu công nghiệp đang gặp phải, Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, chính quyền các huyện có khu công nghiệp đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng để bàn giao đất cho chủ đầu tư các khu công nghiệp triển khai xây dựng hạ tầng và tạo quỹ đất công nghiệp để cho thuê.

Cùng với đó, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức làm việc với từng khu công nghiệp để nắm tình hình và có chỉ đạo cụ thể cho các địa phương, sở, ban, ngành nhằm thúc đẩy tháo gỡ khó khăn. Tại Khu công nghiệp Hố Nai, mới đây hộ bà Đỗ Thị Lan sau thời gian khiếu nại kéo dài đã bàn giao 5.431 m2 đất cho Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Trảng Bom.

Phần diện tích đất trên trước đây của bà Lan được thu hồi theo Quyết định số 2336/QĐ-UBND ngày 7/8/2003 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai để xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Hố Nai. Năm 2003, có quyết định phê duyệt phương án bồi thường.

Ngày 19/4/2005, bà Lan nhận tiền bồi thường và giao đất. Tuy nhiên, đến đầu năm 2015, bà Lan quay lại thửa đất đã nhận tiền bồi thường để sử dụng, trồng cây. Điều này, khiến cho việc đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hố Nai bị ảnh hưởng. Sau một thời gian dài chưa được giải quyết, đến đầu năm 2024, với sự vào cuộc của chính quyền các cấp, vận động và hỗ trợ của chủ đầu tư, bà Lan đã bàn giao lại phần diện tích lấn chiếm.

Bí thư Huyện ủy Trảng Bom Lê Tuấn Anh cho biết: Đối với các trường hợp còn lại đang vi phạm lấn chiếm đất đai tại khu vực đất quy hoạch Khu công nghiệp Hố Nai, các cơ quan chức năng của huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động sớm bàn giao cho địa phương, trường hợp tiếp tục cố tình vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng: Nếu không nỗ lực giải quyết một cách quyết liệt các vấn đề liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng giao thông kết nối khu công nghiệp thì rất khó để trở thành tỉnh phát triển công nghiệp. Cần thiết thay đổi nhân sự Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phụ trách lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng để kịp thời giải quyết các vướng mắc. Không để xảy ra việc nhận nhiệm vụ xong rồi không làm. Huyện có giải quyết được kiến nghị hay không thì phải trả lời dứt khoát với doanh nghiệp, không để công tác giải phóng mặt bằng kéo dài trong nhiều năm liền.

Đối với việc đầu tư hạ tầng kết nối các khu công nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm thống kê hạ tầng ngoài khu công nghiệp cần đầu tư, giải pháp về nguồn vốn. Từ đó, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy có chủ trương đầu tư làm cuốn chiếu, khi đó chất lượng khu công nghiệp sẽ được nâng lên. Lãnh đạo tỉnh thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua, công nghiệp Đồng Nai chậm đổi mới, không có nhà đầu tư mới đẳng cấp.

Đồng Nai gần như “ôm kho” công nghệ lạc hậu, hiệu suất giá trị gia tăng mang lại thấp, thu ngân sách thấp. Nếu tiếp tục như hiện nay, công nghiệp Đồng Nai chắc chắn sẽ tụt hậu. Do đó, vấn đề trước tiên là bản thân các khu công nghiệp phải tự làm mới bằng đầu tư công nghệ mới, nhanh chóng áp dụng chuyển đổi số và thực hiện giảm mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero). Muốn có nhà đầu tư công nghệ cao, các công ty hạ tầng phải bỏ thêm vốn, dành công sức để nâng cấp khu công nghiệp thay đổi, khi đó, nhà đầu tư thứ cấp sẽ phải thay đổi.

Cùng với thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các khu công nghiệp đang vướng mặt bằng, đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, tỉnh Đồng Nai đang lập hồ sơ xây dựng, mở rộng thêm sáu khu công nghiệp mới, gồm: Amata giai đoạn 3B, Bàu Cạn-Tân Hiệp, Cẩm Mỹ, Long Đức giai đoạn 2, Phước Bình và Xuân Quế-Sông Nhạn.

Các khu công nghiệp này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư. Các khu công nghiệp này sớm triển khai sẽ đón làn sóng đầu tư từ các tập đoàn lớn trên thế giới, khi sân bay Long Thành và các dự án cao tốc trên địa bàn Đồng Nai hoàn thành, đưa vào sử dụng trong những năm tới.