Sớm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân

Nhiều bất cập trong Luật Thuế thu nhập cá nhân, nhất là quy định biểu thuế lũy tiến từng phần và mức giảm trừ gia cảnh, đang ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người.
0:00 / 0:00
0:00

Lâu nay, dư luận đã lên tiếng rất nhiều về chính sách thuế thu nhập cá nhân có nhiều điểm bất hợp lý, lạc hậu nhưng chậm sửa đổi gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người lao động. Ðó là quy định quá phức tạp đến bảy bậc thuế lũy tiến từ 5% đến 35%; khoảng cách giữa bậc 1 và bậc 2 quá dày làm gia tăng đối tượng nộp thuế và số thuế phải nộp; thu nhập hơn 80 triệu đồng phải nộp thuế đến 35%; mức giảm trừ gia cảnh thấp: 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc là chưa đủ để người lao động bảo đảm cuộc sống bình thường ở đô thị lớn. Ngoài ra, mức thu nhập vãng lai phải chịu thuế thu nhập cá nhân từ mức hai triệu đồng được quy định từ năm 2013 đến nay đã quá lạc hậu.

Mới đây, Bộ Tư pháp thông tin, qua kết quả rà soát của các bộ, ngành cho thấy, Luật Thuế thu nhập cá nhân có 22 điều cần phải sửa đổi, bổ sung, trong đó tập trung vào thu nhập chịu thuế; cơ sở tính thuế và phương pháp xác định số thuế phải nộp đối với một số khoản thu nhập, thuế suất, mức giảm trừ gia cảnh…

Về điều này, từ năm 2017, Bộ Tài chính từng thừa nhận những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân khi chính sách không còn phù hợp tình hình thực tiễn. Khi đó, trong dự thảo sửa đổi một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Bộ này từng đề nghị giảm hai bậc của biểu thuế lũy tiến từng phần, đồng thời nới khoảng cách ở các bậc thuế, như bậc thuế đầu tiên có thuế suất là 5% với thu nhập 10 triệu đồng, thay vì 5 triệu đồng như hiện nay. Ðiều này được người lao động rất hoan nghênh, mong đợi vì sửa đổi này không chỉ giúp giảm gánh nặng cho người nộp thuế mà còn tăng tích lũy, tái tạo nguồn thu, kích cầu tiêu dùng trong nước. Nhưng thật đáng tiếc, từ đó đến nay, giải pháp đó vẫn chưa được sửa đổi.

Năm 2022, thu ngân sách nhà nước đối với thuế thu nhập cá nhân cả nước lên đến 166.733 tỷ đồng, đạt 138% dự toán và tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021; vượt so với mức dự toán đề ra đầu năm 48.658 tỷ đồng. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, nguồn thu thuế thu nhập cá nhân đạt 56.400 tỷ đồng trong năm 2022, ước tăng vọt 140% so với dự toán. Con số này chiếm khoảng 34% số thu thuế thu nhập cá nhân của cả nước năm 2022.

Thông thường, thuế thu nhập cá nhân tăng cao là tín hiệu vui mừng chứng tỏ thu nhập của người lao động tăng lên. Trên thực tế, nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân của cả nước tăng đều qua các năm và chiếm tỷ lệ 8%-10% tổng nguồn thu ngân sách, nhưng điều này chưa thể hiện sự "rủng rỉnh" về thu nhập của người dân. Qua hơn hai năm chống chọi với dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc làm cùng với "bão giá" nhiều mặt hàng thiết yếu khiến đời sống người lao động thêm khó khăn. Nguồn thu thuế thu nhập cá nhân tăng là do những quy định về thuế đã lạc hậu, không phù hợp thực tiễn.

Luật Thuế thu nhập cá nhân được ban hành vào năm 2007 và áp dụng từ 1/1/2009. Lần sửa luật gần nhất là vào cuối năm 2012, đến nay đã hơn 10 năm. Theo kế hoạch, dự án sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) và thông qua dự án luật này tại kỳ họp tháng 5/2026. Như vậy, người nộp thuế còn phải chờ ít nhất hơn ba năm nếu dự luật sửa đổi được thông qua theo lộ trình này.

Tuy nhiên, rất nhiều người lao động đang trông đợi luật được sửa đổi càng sớm càng tốt để chia sẻ, động viên những khó khăn của người lao động. Ðây cũng là cách "khoan thư sức dân" và nuôi dưỡng nguồn thu. Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân là vấn đề hết sức cấp bách mang ý nghĩa nhân văn và bảo đảm công bằng cho người lao động, giúp người đóng thuế cảm thấy hài lòng và tự hào về đóng góp của mình khi thực hiện nghĩa vụ thuế.