Sớm ổn định kinh doanh cho thương nhân Chợ An Đông

Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa kết thúc phiên xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính của người khởi kiện là bà Võ Thị Thùy Hương (thương nhân Trung tâm Thương mại dịch vụ An Ðông-Chợ An Ðông).
0:00 / 0:00
0:00
Mua sắm tại Trung tâm Thương mại dịch vụ An Ðông-Chợ An Ðông.
Mua sắm tại Trung tâm Thương mại dịch vụ An Ðông-Chợ An Ðông.

Sau khi tòa tuyên án, nhiều thương nhân bày tỏ ý kiến đồng tình với bản án và đề nghị các cấp chính quyền sớm ổn định tình hình để họ tập trung buôn bán, kinh doanh khi Tết Nguyên đán đã cận kề.

Tuân thủ pháp luật

Theo Bản án số 907/2023/HC-PT ngày 29/9/2023 vừa được tuyên, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã "đình chỉ yêu cầu khởi kiện của bà Võ Thị Thùy Hương". Nguyên nhân được cho là trước đây, bà Võ Thị Thùy Hương và Ban Quản lý Chợ An Ðông có ký hợp đồng thuê sạp có thời hạn. Sau đó, đến năm 2019, thấy Ủy ban nhân dân Quận 5 chỉ đạo tiếp tục ký hợp đồng cho thuê sạp với thời hạn 10 năm (2019-2029), bà Võ Thị Thùy Hương khiếu nại (bà là một trong số các thương nhân đòi quyền sở hữu sạp, không chịu ký hợp đồng thuê sạp chợ).

Tìm hiểu trên thực tế, việc triển khai ký hợp đồng sử dụng điểm kinh doanh đến nay đã có gần 98% thương nhân thực hiện ký hợp đồng mới và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng đã ký với Chợ An Ðông, chỉ còn khoảng 2% thương nhân không đồng tình, không ký hợp đồng thuê, sử dụng điểm kinh doanh (sạp chợ) và cũng không đóng tiền thuê, điện, nước sinh hoạt.

Ðể làm rõ hơn vấn đề pháp lý của Chợ An Ðông, chúng tôi đã tìm hiểu tại Ủy ban nhân dân Quận 5 và nhận thấy: Chợ An Ðông là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính trực thuộc Ủy ban nhân dân Quận 5, chịu sự lãnh đạo và quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân Quận 5. Từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, Chợ An Ðông thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý đối với toàn bộ hoạt động tại chợ theo quy định của pháp luật, các quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và theo hợp đồng thuê (sử dụng) sạp. Ðó là các văn bản, quy định: Nghị định số 02/2003/NÐ-CP ngày 14/1/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; Thông tư số 06/2003/TT-BTM ngày 15/8/2003 của Bộ Thương mại hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban quản lý chợ; Quyết định số 784/QÐ-UB ngày 30/12/1991 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc cho phép thành lập Ban quản lý Trung tâm Thương mại dịch vụ An Ðông trực thuộc Ủy ban nhân dân Quận 5...

Ông Ðinh Hồ Duy Ngọc, Trưởng ban Quản lý Chợ An Ðông cho biết: "Căn cứ theo các hợp đồng thuê điểm kinh doanh có thời hạn mà thương nhân đã ký với Chợ An Ðông thì thương nhân có quyền sử dụng điểm kinh doanh đến hết ngày 31/12/2021. Căn cứ theo quy định của pháp luật, từ thời điểm này, thương nhân không được tiếp tục sử dụng điểm kinh doanh và Ban quản lý cũng không có nghĩa vụ cung cấp các dịch vụ. Tuy nhiên để ứng xử có tình có lý, từ thời điểm hợp đồng hết hạn đến nay đã gần 2 năm, chúng tôi vẫn để cho một số thương nhân tiếp tục sử dụng điểm kinh doanh nhưng bà con không thanh toán các nghĩa vụ tài chính".

Cần sớm ổn định kinh doanh

Ðối với câu hỏi "nếu thương nhân không chịu hợp tác ký hợp đồng thuê mà vẫn sử dụng sạp thì giải quyết như thế nào?", ông Ðinh Hồ Duy Ngọc cho hay: Với các trường hợp có hành vi vi phạm, tiếp tục sử dụng điểm kinh doanh khi hợp đồng đã hết hạn mà hai bên không có thỏa thuận gia hạn hợp đồng cũng như không thực hiện nghĩa vụ tài chính, Ban quản lý thực hiện theo quy định của pháp luật về hợp đồng và áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn tình trạng sử dụng điểm kinh doanh trái pháp luật. Việc xử lý được thực hiện theo trình tự sau:

Trước khi hết hạn hợp đồng, Ban quản lý gửi thông báo mời ký hợp đồng mới đến người đứng tên trên hợp đồng. Thông báo nêu rõ thời hạn cuối giải quyết hồ sơ là ngày 31/12/2021 (cũng là thời hạn kết thúc hợp đồng).

Trường hợp người đứng tên hợp đồng không đến liên hệ ký hợp đồng và không thông báo lý do bằng văn bản, Ban quản lý ban hành thông báo về việc kết thúc thời hạn hợp đồng gửi đến người đứng tên hợp đồng để biết.

Sau khi ban hành thông báo kết thúc thời hạn hợp đồng, trường hợp người đứng tên hợp đồng vẫn không đến liên hệ ký hợp đồng, Ban quản lý ban hành thông báo chấm dứt hợp đồng và gửi đến người đứng tên hợp đồng. Thông báo nêu rõ thời hạn cuối để bàn giao điểm kinh doanh. Trường hợp thương nhân vẫn không thực hiện nghĩa vụ tài chính, Ban quản lý mời làm việc lần cuối, yêu cầu dừng hoạt động kinh doanh.

Tất cả các bước thực hiện theo quy trình như trên đều được thể hiện bằng văn bản. Việc Ban quản lý áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi sử dụng điểm kinh doanh trái pháp luật (niêm phong sạp) là nhằm bảo vệ tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, tránh làm thất thoát, hao mòn tài sản công và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của Nhà nước và của đơn vị.

Như vậy, với việc Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa kết thúc phiên xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính đã nêu trên và căn cứ theo Bản án số 907/2023/HC-PT ngày 29/9/2023 vừa được tuyên, thiết nghĩ chính quyền các cấp ở Quận 5 cần quyết liệt hơn để sớm ổn định tình hình, nhất là khi thời điểm cuối năm cận kề; đồng thời đề nghị các thương nhân phải chấp hành theo quy định pháp luật và bản án đã tuyên của tòa án.