Chủ động lực lượng và phương tiện cứu hộ tại chỗ
Tại cuộc họp bàn biện pháp khắc phục hậu quả lũ lụt năm 2020 do UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức, các cơ quan, ban, ngành, lực lượng đã phân tích những mặt được và hạn chế cũng như phương hướng, giải pháp ứng cứu người dân trong lũ lụt thời gian tới để chủ động ứng phó với thiên tai.
Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đề nghị, tất cả các thiết bị, phương tiện cứu hộ, nhất là tàu, xe lội nước, xuồng… cần tập trung tại doanh trại của bộ đội biên phòng tỉnh để chủ động khi có tình huống bất trắc xảy ra, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng ra lệnh, lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp ngay lập tức xuất quân kịp thời ứng cứu.
Đại tá Lê Văn Phương phân tích, lực lượng bộ đội biên phòng đông, tinh nhuệ, cơ động, có đội ngũ cứu hộ chuyên nghiệp; có lực lượng làm công tác kỹ thuật, bảo dưỡng. Sau khi sử dụng cứu hộ người dân trong thiên tai thì các phương tiện như xe lội nước, tàu, xuồng cần phải được bảo dưỡng thường xuyên để mỗi khi cần là sử dụng được ngay. Nếu các phương tiện cứu hộ phân về cho các huyện, thị, thành phố sử dụng dẫn đến hai nguy cơ: Thiếu lực lượng làm công tác cứu hộ chuyên nghiệp và sau mỗi mùa mưa lũ không đủ lực lượng bảo dưỡng thường xuyên thì phương tiện sẽ nhanh hỏng hóc.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đồng tình quan điểm và khẳng định, thiên tai bão lũ cũng là một loại giặc, thiên tai rất vô lường, nếu chúng ta chủ động lực lượng và phương tiện cứu hộ thì sẽ giải quyết được vấn đề quan trọng nhất là kịp thời bảo vệ tính mạng và tài sản an toàn cho người dân mỗi khi có bão, lũ lớn xảy ra.
Lực lượng cứu hộ của quân đội, công an luôn hùng hậu, chuyên nghiệp và đi đầu trong mọi tình huống. Đợt mưa lũ tại miền trung trong tháng 10 vắt qua tháng 11-2020 đã chứng minh vai trò vô cùng quan trọng của lực lượng quân đội trong công tác cứu hộ, cứu nạn. Lực lượng quân đội đã và đang phát huy tốt vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, góp phần bảo đảm an toàn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đề nghị, T.Ư quan tâm, hỗ trợ phương tiện, vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn cho Quảng Trị chủ động hơn trong ứng phó thiên tai gồm: bốn xe lội nước Gaz 59037 phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo. Ngoài ra, thêm 10 chiếc xuồng ST 660, 20 chiếc xuồng ST 450, 100 chiếc xuồng cao su, 500 bè cứu sinh, 5.000 phao tròn cứu sinh, 10.000 áo phao cứu sinh và 100 bộ nhà bạt cứu sinh loại 24,5m vuông để giúp tỉnh chủ động thêm phương tiện cứu hộ tại chỗ.
Cần có một lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, hiện đại
Hiện nay, nước ta có hai cơ quan chuyên trách về phòng chống thiên tai, bao gồm: Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, cơ quan thường trực là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực.
Đây là hai cơ quan rất quan trọng phối hợp liên ngành vừa có trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp nhưng đồng thời thực hiện chức năng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các ngành, các địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai. Ở địa phương có Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Trả lời tại phiên chất vấn Quốc hội ngày 9-11 về lực lượng ứng phó sự cố, tìm kiếm, cứu nạn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cho biết, tùy tình huống sự cố thiên tai cụ thể, Ủy ban Quốc gia và Ban Chỉ huy ứng phó sự cố phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huy động lực lượng tham gia công tác ứng phó phù hợp, trong đó lực lượng quân đội và công an vẫn là nòng cốt trong quá trình ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn.
Bên cạnh đó, còn có các lực lượng của Bộ Giao thông vận tải, các bộ, các cơ quan liên quan và đặc biệt là lực lượng tại chỗ tại địa phương có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện bốn tại chỗ.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, trong thời gian qua, công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn còn những hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do tính chuyên nghiệp của các lực lượng ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn của chúng ta còn hạn chế, phương tiện, trang thiết bị phục vụ ứng phó sự cố thiên tai vừa thiếu, vừa chưa hiện đại, chưa đáp ứng được tình hình cụ thể. Thực tế này cũng thể hiện rất rõ trong cả lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, tìm kiếm, cứu nạn ngoài biển,…
“Thời gian tới cần tập trung nghiên cứu, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, bổ sung những gì còn bất hợp lý, chưa phù hợp. Yêu cầu là phải có một lực lượng phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố, tìm kiếm, cứu nạn chuyên nghiệp và có trang thiết bị hiện đại để ứng phó có hiệu quả với mọi loại hình thiên tai, sự cố có thể xảy ra”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Do đó, theo Phó Thủ tướng, thời gian tới cần tập trung củng cố lực lượng phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn các cấp, trong đó phải hoàn thành việc xây dựng lực lượng xung kích ở cơ sở có tính chuyên nghiệp theo Nghị quyết 76 năm 2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai.
“Đây là vấn đề rất quan trọng. Tất cả thành công vừa rồi thì lực lượng tại chỗ có tính quyết định, chúng ta thấy rất rõ như vậy”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Song song với đó, Phó Thủ tướng cho rằng, việc đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị phục vụ ứng phó thiên tai, sự cố, cứu hộ, cứu nạn cần phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và đặc điểm thiên tai của từng vùng, từng địa phương để công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn được triển khai kịp thời, có hiệu quả hơn.
Thí dụ như: bổ sung thêm máy bay trực thăng chuyên dùng cho các lực lượng cứu nạn; bổ sung các tàu cứu hộ, cứu nạn, nhất là các tàu cứu hộ cứu nạn xa bờ, tàu lớn chịu được sóng to, gió lớn; thường xuyên tổ chức diễn tập, ứng phó các lực lượng và người dân với loại hình thiên tai, sự cố khác nhau,…
Về việc có cần một đạo luật giao cho một bộ chuyên trách về tình trạng khẩn cấp để chịu trách nhiệm phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục tổng kết thực tiễn, đổi mới trong quá trình chỉ đạo phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn và các kinh nghiệm quốc tế. Từ đó, nghiên cứu những mô hình phù hợp nhất cũng như những giải pháp để huy động sức dân trong việc phòng, chống thiên tai cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ nhau trong quá trình chịu thiệt hại do thiên tai để báo cáo Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tôi nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi các cán bộ, chiến sĩ công an ngày đêm tham gia trực tiếp cứu giúp nhân dân ra khỏi vùng lũ, vùng bị sạt lở đất, đá ở các tỉnh miền trung trong thời gian vừa qua. Những hành động có ý nghĩa thiết thực nêu trên thể hiện lực lượng công an nhân dân không chỉ làm tốt vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội mà còn là chỗ dựa vững chắc của đồng bào, đồng chí cả nước trong những lúc khó khăn, hoạn nạn.
Trích thư của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an nhân dân, ngày 9-11-2020.