Sớm khắc phục tình trạng xuống cấp ở nhiều hồ, đập tại Quảng Trị

Thời gian qua, biến đổi khí hậu khắc nghiệt làm cho nhiều công trình hồ, đập thủy lợi ở Quảng Trị hư hỏng nặng. Việc đánh giá an toàn công trình hồ, đập trước mùa mưa lũ hằng năm chủ yếu theo kinh nghiệm quản lý, chứ chưa được kiểm định. Điều đáng lo là những rủi ro về sự cố tiềm ẩn trong công trình thủy lợi ở địa phương này đến nay chưa được đánh giá một cách khoa học. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu kinh phí.
0:00 / 0:00
0:00
Tràn xả lũ hồ Trúc Kinh được xây dựng đã lâu, nay bị hư hỏng nặng.
Tràn xả lũ hồ Trúc Kinh được xây dựng đã lâu, nay bị hư hỏng nặng.

Hư hỏng hàng loạt công trình

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị (công ty) là doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích, được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị giao quản lý, vận hành 16 hồ chứa nước lớn, nhỏ; hai đập dâng, 29 trạm bơm có tổng công suất lắp máy hơn 2.000 kW; chín công trình cống, đập ngăn mặn… Công ty có nhiệm vụ phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích tưới hơn 32.700 ha/năm; ngăn mặn, tưới tiêu cho 13.000 ha/năm. Ngoài ra còn cấp nước cho nuôi trồng thủy sản, nước phục vụ sinh hoạt dân sinh.

Tuy nhiên mới đây, qua kiểm tra đánh giá hiện trạng an toàn đập, hồ chứa nước do công ty quản lý, có 6/18 đập xảy ra hiện tượng thấm qua thân đập gồm: Đập tại hồ chứa Triệu Thương 1 và 2, Nghĩa Hy, Tân Kim, Phú Dụng và Bàu Nhum. Ngoài ra, phần thủy công, cơ khí của các hạng mục cống lấy nước, tràn xả lũ hầu hết được xây dựng từ thập niên 80 của thế kỷ trước, nên phần lớn bị xuống cấp, han gỉ làm giảm khả năng chịu lực xảy ra ở các công trình: Cửa tràn xả lũ hồ chứa Ái Tử, Khe Mây, Trúc Kinh, Nghĩa Hy, Đá Mài và Tân Kim; cửa cống lấy nước đầu mối: đập dâng Nam Thạch Hãn, hồ chứa Khe Mây, Nghĩa Hy, Đá Mài, Tân Kim và Bảo Đài. Một số tuyến kênh, mương kiên cố hóa từ lâu, đến nay bị sạt lở mái tấm lát lòng kênh, tường kênh bị phong hóa xâm thực, sập gãy, gây rò rỉ thất thoát nước.

Ông Lê Văn Trường, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty cho biết, thời gian qua mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng công ty đã tập trung thực hiện tốt các nội dung về an toàn hồ, đập theo Nghị định 114/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ. Dù vậy, hiện vẫn còn 6/16 nội dung cần phải có kinh phí mới thực hiện được gồm: xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn; cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu về đập, hồ chứa thủy lợi; lắp đặt hoàn thiện thiết bị quan trắc công trình đập, hồ chứa; lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng; kiểm định an toàn đập; lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin cảnh báo an toàn cho đập, vùng hạ du và bản đồ ngập lụt.

Tính đến thời điểm hiện nay hầu hết các công trình do công ty quản lý chưa được kiểm định an toàn. Việc đánh giá an toàn công trình trước mùa mưa lũ hằng năm chủ yếu theo kinh nghiệm quản lý, đây là một khó khăn rất lớn đối với công ty. Những rủi ro về sự cố tiềm ẩn trong công trình đến nay chưa được đánh giá một cách khoa học.

Những công trình thủy lợi không chỉ có bê-tông, sắt thép, đá mà còn có hệ thống đường dây điện, thiết bị điện ở các công trình trạm bơm, đầu mối tràn xả lũ, cổng lấy nước phục vụ cho công tác vận hành lâu ngày bị xuống cấp nên rất cần kinh phí bảo dưỡng. Cùng với đó là những thiết bị đo mực nước, đo mưa tại các công trình cũng có thể hỏng bất cứ lúc nào. Nếu những công trình, thiết bị này không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên sẽ nhanh hỏng hóc, ảnh hưởng rất lớn công tác theo dõi, quan trắc, vận hành công trình cấp nước phục vụ sản xuất, đặc biệt là bảo đảm an toàn hồ, đập trong mùa mưa lũ.

Thiếu kinh phí sửa chữa

Theo ông Lê Văn Trường, khối lượng và tài sản các công trình do công ty quản lý rất lớn. Một công trình đầu mối ngoài đập dâng, hồ chứa còn có hệ thống thiết bị điện, thiết bị cơ khí, xi-lanh thủy lực, các hạng mục thủy công. Biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt làm cho nhiều đập, hồ thủy lợi, hạng mục công trình sớm hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến công tác tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên hằng năm kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng, duy tu thường xuyên các công trình và nạo vét kênh, mương chưa đủ để hoạt động, đó là chưa kể đến những sửa chữa, đầu tư lớn. Cụ thể riêng năm 2023, nguồn kinh phí được tính trên diện tích phục vụ tưới tiêu theo mức giá dịch vụ thủy lợi hiện tại cấp cho đơn vị hoạt động là 38 tỷ đồng, nhưng phần chi theo kế hoạch hơn 50 tỷ đồng. Như vậy phần cấp thiếu hơn 12 tỷ đồng này bao gồm chi cho công tác vận hành, bảo trì các công trình thủy lợi, trong đó có chi phí quản lý vận hành đập ngăn mặn sông Hiếu được bàn giao cho công ty quản lý từ tháng 4 năm 2022.

Đáng chú ý giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi hơn 10 năm chưa được điều chỉnh, ngân sách cấp cho hoạt động dịch vụ công ích thủy lợi hằng năm không đủ cân đối cho công tác quản lý vận hành, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Cách đây 5 năm, Nghị định 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ đã quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi thay cho Nghị định 67/2012/NĐ-CP ngày 10/9/2012 của Chính phủ. Theo hướng dẫn của Nghị định 96/2018/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã đề xuất bộ, ngành Trung ương về mức giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi mới, nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt, nên giá thủy lợi phí vẫn áp dụng theo Nghị định 67/2012/NĐ-CP ngày 10/9/2012 của Chính phủ.

Việc chuyển từ thủy lợi phí sang giá dịch vụ thủy lợi, nhưng ngân sách nhà nước hỗ trợ vẫn không thay đổi so với mức cấp bù miễn thu thủy lợi phí từ năm 2012 là hết sức bất cập. Điều này dẫn đến tình hình hoạt động sản xuất của đơn vị ngày càng gặp nhiều khó khăn, vì nguồn thu chủ yếu hiện tại của đơn vị vẫn là cấp bù thủy lợi phí từ ngân sách nhà nước trên cơ sở diện tích tưới tiêu.

Trong khi đó, chi phí tiền lương, tiền điện bơm nước, chống hạn mặn và các khoản khác liên quan đến hoạt động quản lý, khai thác của đơn vị đều tăng, dẫn đến mất cân đối, thu không đủ chi cho hoạt động. Chính vì vậy, việc bảo trì, sửa chữa chỉ dừng lại mức nạo vét, phát quang, làm cỏ kênh, mương và bảo dưỡng máy móc thiết bị các trạm bơm ở mức tối thiểu để phục vụ tưới.

Nếu áp dụng giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi theo Nghị định 96/2018/NĐ-CP, dự kiến kinh phí công ty được phân bổ hằng năm sẽ tăng lên khoảng 1,7 lần so với mức thủy lợi phí quy định tại Nghị định 67/2012/ NĐ-CP. Khi đó, đơn vị sẽ có kinh phí để thực hiện tốt hơn công tác quản lý vận hành, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình thủy lợi.

Trước thực trạng này, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm phê duyệt mức giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi theo Nghị định 96/2018/NĐ-CP nhằm bảo đảm nguồn kinh phí hoạt động cho các năm tiếp theo. Các đơn vị liên quan cần tạo điều kiện sắp xếp nguồn vốn cho tỉnh thực hiện dự án nâng cấp, sửa chữa thiết bị cơ khí và thủy công hạng mục tràn xả lũ, cống lấy nước và kiểm định an toàn các công trình thủy lợi hư hỏng để bảo đảm an toàn hồ, đập, các công trình thủy lợi, phục vụ phát triển sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao đời sống người dân.

Sớm khắc phục tình trạng xuống cấp ở nhiều hồ, đập tại Quảng Trị ảnh 1

Hồ thủy lợi Triệu Thương 2 là một trong rất ít công trình hồ, đập của Quảng Trị được kiểm định an toàn.