Sớm gỡ vướng thanh toán thuốc bảo hiểm y tế với dược liệu, thuốc cổ truyền

Bộ Y tế cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện Thông tư số 38/2021/TT-BYT quy định về chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền để giải quyết các vướng mắc trong thanh toán thuốc bảo hiểm y tế.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Trần Hải.
Ảnh minh họa: Trần Hải.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có Công văn số 2360/BHXH-CSYT gửi Bộ Y tế về việc thanh toán thuốc bảo hiểm y tế theo quy định tại Thông tư số 38/2021/TT-BYT quy định về chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền (sau đây gọi tắt là Thông tư số 38/2021/TT-BYT).

Theo đó, ngày 11/7/2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có Công văn số 1858/BHXH-CSYT gửi Bộ Y tế đề nghị hướng dẫn giải quyết vướng mắc trong thanh toán thuốc bảo hiểm y tế theo Thông tư số 38/2021/TT-BYT ngày 31/12/2021 của Bộ Y tế. Trong đó, công văn đã báo cáo Bộ Y tế về tình trạng thiếu trầm trọng vị thuốc cổ truyền trong điều trị cho người bệnh và lãng phí số vị thuốc đã được cơ sở y tế mua, nhập và đang tồn kho tại cơ sở y tế (do chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành) khi thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 26 Thông tư số 38/2021/TT-BYT.

Thông tư 38/2021/TT-BYT ban hành ngày 31/12/2021 quy định về chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền, thay thế cho Thông tư 13/2018/TT-BYT ngày 15/5/2018.

Văn bản này có hiệu lực kể từ ngày 15/2/2022, Thông tư này quy định về việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng; công bố chất lượng dược liệu; kiểm nghiệm chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền; truy xuất nguồn gốc, xuất xứ và thủ tục thu hồi, xử lý dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền vi phạm.

Đến ngày 20/7/2022, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn đã chủ trì cuộc họp giải quyết vướng mắc trong thanh toán chi phí vị thuốc, dược liệu theo chế độ bảo hiểm y tế khi triển khai thực hiện theo Thông tư số 38/2021/TT-Bộ Y tế. Ngày 18/8/2022, Bộ Y tế có văn bản số 1065/TB-BYT Thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn tại cuộc họp nêu trên.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vẫn chưa nhận được hướng dẫn của Bộ Y tế về giải quyết các vướng mắc nêu trên, làm cơ sở để cơ quan này chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh và thành phố thực hiện thanh toán chi phí thuốc theo quy định.

Để bảo đảm quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế, bảo đảm việc đấu thầu, mua sắm, sử dụng và thanh toán vị thuốc cổ truyền tại các cơ sở y tế theo đúng quy định, nhất là trong giai đoạn thiếu thuốc hiện nay, đặc biệt tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa y học cổ truyền, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện Thông tư số 38/2021/TT-BYT. Đồng thời, quy định rõ về thời điểm có hiệu lực để bảo đảm không vướng mắc khi triển khai thực hiện.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ước đến hết tháng 8/2022, số người tham gia bảo hiểm y tế trên toàn quốc đạt hơn 86,94 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ dân số 87,86%. Số người tham gia bảo hiểm y tế tăng hơn 1,73 triệu người so với cùng kỳ năm 2021, nhưng số lượng này vẫn giảm hơn 1,88 triệu người so với thời điểm cuối năm 2021.

Trong 8 tháng năm 2022, toàn quốc có hơn 91,19 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Số chi từ quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là 65.344 tỷ đồng. Mặc dù số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giảm 139.834 lượt người so với cùng kỳ năm 2021, nhưng số chi lại tăng 4.612 tỷ đồng...