Khó khăn trong mua sắm đấu thầu dược liệu, vị thuốc cổ truyền tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình

NDO -

Thời gian qua tại tỉnh Thái Bình, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, hóa chất phục vụ công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không chỉ diễn ra tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, mà còn lan đến cả Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình. Cán bộ y tế “bó tay” do không có vật tư để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phục vụ người bệnh.

Nhiều vị thuốc cổ truyền tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình đã cạn kiệt do vướng mắc trong đấu thầu.
Nhiều vị thuốc cổ truyền tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình đã cạn kiệt do vướng mắc trong đấu thầu.

Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Nhân Dân, tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình, thuốc Generic, hóa chất và vật tư y tế thuộc danh mục đấu thầu tập trung và không thuộc đấu thầu tập trung vẫn được bảo đảm. Bệnh viện vẫn thu hút được số lượng lớn bệnh nhân đến khám, cấp phát thuốc và điều trị nội trú cho gần 500 lượt người bệnh mỗi ngày.

Tuy nhiên, đối với việc đấu thầu mua dược liệu và vị thuốc cổ truyền thì bệnh viện gặp nhiều vướng mắc, không thể thực hiện được gói thầu vị thuốc cổ truyền và cũng chưa tìm được giải pháp để giải quyết. 

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hồng Việt, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình cho biết: Tình trạng thiếu dược liệu, vị thuốc cổ truyền hiện nay là phổ biến ở các bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện đa khoa có khoa Y học cổ truyền của nhiều tỉnh trên cả nước. Hầu như các bệnh viện không thực hiện được việc ký kết với các đơn vị cung ứng; thậm chí nhiều đơn vị từ chối cung ứng dược liệu, các vị thuốc cổ truyền mặc dù đang trong thời gian thực hiện hợp đồng.

Bệnh viện đã tổ chức thực hiện quy trình lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu vị thuốc cổ truyền theo Quyết định số 646/QĐ-UBND ngày 25/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc năm 2022 của Bệnh viện Y học cổ truyền với 105 vị thuốc các loại. 

Gói thầu có một nhà thầu tham dự với 79 danh mục vị thuốc đáp ứng cả tiêu chí kỹ thuật và giá dự thầu. Tuy nhiên, khi tiến hành thương thảo hợp đồng, nhà thầu đã không thể cung ứng do vướng mắc liên quan đến Thông tư số 38/2021/TT-BYT ngày 31/12/2021 của Bộ Y tế quy định về chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền. 

Trước tình trạng này, Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình Bệnh viện đã chủ động báo cáo Sở Y tế, Sở Y tế cũng đã có Văn bản số 978/SYT-NVD ngày 12/5/2022 báo cáo Bộ Y tế, Cục Quản lý y dược cổ truyền.

Lãnh đạo Bệnh viện cho biết, trước mắt Hội đồng thuốc đã họp, thống nhất điều chỉnh một số bài thuốc đang thực hiện tại bệnh viện sang bài đối pháp lập phương cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, điều này chỉ là giải pháp có tính tạm thời, việc cung ứng vị thuốc cổ truyền cần được tháo gỡ sớm, mới bảo đảm chất lượng điều trị.

Để không giảm dịch vụ y học cổ truyền, bảo đảm chất lượng điều trị, Bệnh viện phải phát động phong trào cán bộ thu hái dược liệu sẵn có tại địa phương để bào chế thuốc ngâm chân thực hiện miễn phí cho người bệnh từ tháng 6/2022.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hồng Việt, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình thông tin thêm: “Đến thời điểm hiện tại, nhiều vị thuốc cổ truyền đã hết, số vị thuốc còn lại chỉ đủ cung cấp trong một thời gian ngắn, nhiều bài thuốc không đủ vị thuốc để thực hiện đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động chuyên môn của đơn vị”.