Tìm cách “giảm nhiệt” giá vàng

Kết quả tổng hợp đấu thầu bán vàng miếng ngày 8/5 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, đã có ba thành viên trúng thầu 34 lô (3.400 lượng vàng SJC) với giá hơn 86 triệu đồng/lượng.
0:00 / 0:00
0:00

Như vậy, sau 5 lần mời thầu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức thành công hai phiên với 68 lô vàng miếng SJC, tương ứng 6.800 lượng vàng được bán.

Động thái can thiệp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam qua việc tổ chức đấu thầu vàng miếng được kỳ vọng sẽ giúp tăng cung vàng trên thị trường, từ đó góp phần xử lý ngay tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch ở mức cao.

Có thể thấy để thu hẹp khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước với quốc tế thật sự rất khó khăn. Khi xác định chênh lệch cao là bởi thiếu nguồn cung, Chính phủ đã nới lỏng các hạn chế về nguồn cung, đồng thời Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có kế hoạch tiếp tục tổ chức đấu thầu bán vàng miếng ra thị trường.

Tuy nhiên trên thực tế, sau ba phiên đấu thầu thất bại và kể cả hai phiên thành công, giá vàng SJC vẫn liên tục tăng mạnh và thiết lập các mức kỷ lục mới. Cập nhật đến thời điểm 9 giờ ngày 9/5, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC từ 86 đến 88,3 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), tăng 800.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước; chênh lệch mua vào-bán ra là 2,3 triệu đồng/lượng. Hiện tại giá vàng miếng trong nước chênh cao so với giá thế giới hơn 16 triệu đồng/lượng.

Có thể thấy để thu hẹp khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước với quốc tế thật sự rất khó khăn. Khi xác định chênh lệch cao là bởi thiếu nguồn cung, Chính phủ đã nới lỏng các hạn chế về nguồn cung, đồng thời Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có kế hoạch tiếp tục tổ chức đấu thầu bán vàng miếng ra thị trường.

Nhưng đã nửa tháng qua đi với năm phiên đấu thầu, tuy không “ế” hoàn toàn nhưng cũng chỉ 20% lượng vàng mang ra bán được doanh nghiệp đăng ký mua. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC vẫn leo thang từng giờ và khoảng cách chênh lệch giữa trong nước với thế giới chưa có dấu hiệu thu hẹp.

Hội đồng Vàng Thế giới mới đây đã ghi nhận nhu cầu đầu tư vàng miếng của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong quý I kể từ năm 2015 và mức chênh lệch giá đối với vàng miếng đã đạt mức kỷ lục 650 USD/ao-xơ.

Theo nhận định của tổ chức này, các nhà đầu tư trong nước bị thu hút bởi diễn biến tăng vọt của giá vàng trong quý I, đặc biệt khi đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng cao, dự báo sẽ thúc đẩy lạm phát, và đồng nội tệ mất giá so với đồng USD.

Ngoài ra, một số yếu tố góp phần đẩy giá vàng tăng vọt gần đây bao gồm sự gia tăng rủi ro về địa chính trị và sự bất ổn kinh tế vĩ mô đang diễn ra, thúc đẩy nhu cầu tìm đến vàng như tài sản lưu trữ an toàn; cùng với nhu cầu mua vàng liên tục và ồ ạt từ các ngân hàng trung ương, sự đầu tư mạnh mẽ của thị trường OTC và lượng vàng mua ròng trên thị trường phái sinh.

Năm 2024 được các chuyên gia phân tích của Hội đồng Vàng Thế giới nhận định sẽ mang đến lợi nhuận từ đầu tư vàng cao hơn so với kỳ vọng của họ ở thời điểm đầu năm dựa trên hiệu suất đầu tư gần đây của vàng. Nếu giá vàng đi ngang trong những tháng tới, một số người mua nhạy bén về giá sẽ tái tham gia thị trường và các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tìm đến vàng như một tài sản lưu trữ an toàn. Như vậy, sức ép về giá vàng đang rất lớn không chỉ với quốc tế, mà Việt Nam cũng chịu sức ép về mặt bằng giá.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá xem xét công tác quản lý, điều hành, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quản lý vàng.

Trước mắt, phải bảo đảm cung cầu, giá hợp lý, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để có cơ chế phù hợp, phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững, không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế. Đã đến lúc cần phải nhìn nhận tổng thể và có những điều chỉnh cần thiết đối với chính sách quản lý thị trường vàng.