Sớm di chuyển người dân bản Ma Sang khỏi vùng nguy cơ sạt lở

NDO -

Hơn 60 hộ dân nằm trọn trong cung sạt trượt với nhiều vết nứt lớn quanh bản. Thấp thỏm, lo sợ, bất an; tải sản và tính mạng bị đe dọa; mỗi khi trời mưa, nhiều hộ dân phải di tản ra lán nương để ở… đó là tâm trạng, thực trạng của người dân bản Ma Sang, xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu hiện nay.

Bà con ở bản Ma Sang cho biết, từ năm 2018, nhiều nhà dân xuất hiện vết nứt lớn giữa nhà, sau mỗi mùa mưa bà con lại phải đổ đá suối, xi-măng để lấp mới có thể ở.
Bà con ở bản Ma Sang cho biết, từ năm 2018, nhiều nhà dân xuất hiện vết nứt lớn giữa nhà, sau mỗi mùa mưa bà con lại phải đổ đá suối, xi-măng để lấp mới có thể ở.

Bản Ma Sang có 78 hộ dân tộc Mông sinh sống chia thành ba cụm dân cư. Trong đó, cụm dân cư trung tâm có 61 hộ, cả 61 hộ đều nằm trọng trong cung sạt trượt với nguy cơ sản lở rất cao.

Theo bà con nơi đây, từ năm 2018, phía sau bản xuất hiện 2 vết nứt lớn, tạo thành 2 cung sạt trượt xếp chồng lớp lên nhau. Khoảng cách từ cung sạt trượt trên đến cung sạt trượt dưới cách nhau hơn 100m và đều kéo dài mấy trăm mét ôm trọn cả cụm dân cư trung tâm với 61 hộ nêu trên.

Các vết nứt đều rộng cả mét, khe nứt sâu không thể đo, qua mỗi mùa mưa, đất dưới những vết nứt đều trượt và lún xuống vài mét. Cùng thời điểm trên, ngay tại trung tâm bản cũng xuất hiện vết nứt kéo dài gần 300m chạy xuyên qua nhà của 13 hộ dân, nhà văn hóa bản và điểm trường tiểu học.

Vết nứt này đã khiến nhà của các hộ dân, điểm trường và nhà văn hóa của bản bị nghiêng, hư hỏng các công trình xây dựng, kiến trúc khác cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến người dân hết sức lo ngại.

Sớm di chuyển người dân Ma Sang khỏi vùng nguy cơ sạt lở -0
 Điểm trường bị cắt bỏ vì sạt trượt; từ điểm trường đến vết nứt tạo ra cung sạt trượt đầu tiên khoảng 150m.

Theo ông Giàng A Chiếu, từ khi có các vệt nứt sau bản và trong bản, bà con ở đây rất bất an, nhất là mùa mưa như thời điểm này. Nhiều hộ không dám ở trong bản, cứ mưa là lũ lượt kéo nhau chạy ra lán nương. Ngay nhà ông Chiếu cũng có các vết nứt chạy dọc theo sân, cắt qua nhà tắm, nhà vệ sinh làm lún nên nhà và nghiêng cột nhà.

Hiện, nhà ông Chiếu đang có 8 khẩu cùng sinh sống, trong những ngày mưa, vợ con và các cháu ông cũng phải kéo nhau ra lán nương ở tạm cho yên tâm. Theo tính toán của ông Chiếu, chỉ cần 1 trong 2 cung sạt trượt phía sau sạt xuống cũng đủ vùi lấp toàn bộ nhà cửa, tài sản và tính mạng của 61 hộ dân cụm trung tâm bản này.

Anh Vàng A Chớ, một trong những hộ dân có vết nứt lớn chạy dọc giữa nhà cho biết, cứ qua mỗi mùa mưa, gia đình anh lại phải nhờ bà con trong bản đi lấy đá suối về đổ vào vết nứt trong nhà rồi dùng cát, xi-măng láng lại mới có thể ở.

Sớm di chuyển người dân Ma Sang khỏi vùng nguy cơ sạt lở -0
 61 hộ dân cụm trung tâm bản Ma Sang nằm trọn trong 2 cung sạt trượt của 2 vết nứt lớn phía sau bản.

Vết nứt giữa nhà rộng 30 - 40cm, dùng cả cây sào tre cũng không đo hết độ sâu. Cứ lấp xong năm nay, mùa mưa năm sau nứt trở lại, cát đá đổ vào chẳng biết nó đi đâu hết. Nếu không lấp chỉ sợ trẻ con chơi trong nhà không may rơi xuống thì nguy hiểm.

Đã qua gần hết 4 mùa mưa, mùa mưa nào gia đình anh cũng phải “chạy” khỏi nhà, chạy nhiều quá thành ra mệt mỏi. Do đó, anh Chớ mong muốn sớm được di chuyển đến nơi an toàn để yên tâm sinh sống, lao động và sản xuất.

Không chỉ nhà dân, theo Trưởng bản Ma Sang, Lầu A Chứ, mùa mưa 2 năm trước đã gây sụt lún, làm hỏng, sập 1 phòng của dãy nhà lớp học, mà đó còn là điểm xây dựng kiên cố. Về sau, người ta phải mang máy cắt bê-tông lên cắt bỏ phòng học đó ra khỏi dãy nhà rồi kè rọ thép bên ngoài… Tuy nhiên, qua mỗi mùa mưa, điểm đó lại lún xuống cả mét, rất nguy hiểm.

Cũng theo anh Chứ, bản đã nhiều lần kiến nghị; tỉnh, huyện cũng đã khảo sát, người dân cũng đã chọn được vị trí đất cho nơi ở mới cách đó không quá xa. Tuy nhiên, nhà nước chưa làm mặt bằng nên bà con chưa thể di chuyển.

“Trước mùa mưa, chúng tôi đã kiến nghị chính quyền địa phương, xem xét cho 13 hộ dân có các vết nứt chạy qua nhà di chuyển trước. Tuy nhiên, sau khi xã họp với bản, bà con thống nhất vào những ngày mưa, 13 hộ trên sẽ sơ tán đến ở nhờ những gia đình khác. Xã cũng sẽ tính toán bỏ ra một phần kinh phí, hỗ trợ các hộ khi phải sơ tán và hỗ trợ cả cho những hộ cho 13 hộ trên ở nhờ”, Trưởng bản Lầu A Chứ cho hay.

Nói về vấn đề trên, ông Vũ Văn Thân, Chủ tịch UBND xã Nậm Pỳ cho biết, việc di chuyển cho hơn 60 hộ dân bản Ma Sang đã được cơ quan chức năng của huyện, tỉnh khảo sát, đánh giá và lập dự an. Về chủ chương, tỉnh đã đồng ý phương án cho bà con di chuyển, điểm di chuyển cũng đã có.

Do xuất hiện vết nứt, lún chạy qua bản, nhà bà Lý Thị Mỷ và nhiều nhà hàng xóm bị nghiêng, hư hỏng.

Tuy nhiên, do chưa có nguồn hỗ trợ người dân di chuyển, nguồn vốn để san gạt mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng nơi ở mới… nên chưa thể di chuyển. Bản thân xã cũng mong muốn Trung ương, tỉnh, huyện sớm quan tâm bố trí nguồn lực để di chuyển bà con ra khỏi vùng nguy cơ. Có vậy, cuộc sống của bà con mới sớm ổn định.

Ông Vũ Văn Thân, Chủ tịch UBND xã Nậm Pỳ cho biết, trong 3 năm gần đây, xã Nậm Pỳ, đã di chuyển hơn 200 hộ dân nằm trong vùng khó khăn có nguy cơ sạt lở đến nơi ở mới an toàn. Đỉnh điểm mùa mưa năm 2018, xã Nậm Pỳ cũng từng phải sơ tán cả bản Pá Sập đến các lều lán tạm trong mùa mưa. Sau đó mới bố trí di chuyển đến nơi ở mới.

Hiện nay, ngoài bản Ma Sang, bản Pá Đởn của xã cũng đang cần được di chuyển vì vừa nằm trong vùng có nguy cơ vừa là bản khó khăn nhất xã. Bà con trong bản không có không đất ở, đất sản xuất. Các hộ gia đình phải sinh sống nhiều thế hệ trong một nhà. Bản có 38 hộ thì có đến 34 hộ nghèo, 3 cận nghèo và duy nhất chỉ 1 hộ thoát nghèo. Do nơi ở của bà con ở vị trí quá khó khăn nên nhà nước không đầu tư được điện, đường và một số hạ tầng thiết yếu khác.