Sớm có biện pháp khắc phục tình trạng sạt lở đê sông Lô

Nhiều bạn đọc phản ánh, tuyến đê sông Lô thuộc địa bàn tỉnh Tuyên Quang có chiều dài hơn 43 km, là “tấm lá chắn” cho hàng chục nghìn hộ dân và ruộng đồng, hoa màu dọc hai bên bờ sông Lô.

Tình trạng sạt lở đã tới sát chân đê thôn Xạ Hương, xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương.
Tình trạng sạt lở đã tới sát chân đê thôn Xạ Hương, xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương.

Tuy nhiên, tuyến đê này hiện nay đang bị xuống cấp và nhiều đoạn đã bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống của nhân dân; đồng thời đe dọa an toàn toàn bộ tuyến đê.

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có hai tuyến đê với chiều dài hơn 43 km. Bao gồm, tuyến đê bờ trái sông Lô có chiều dài 36,214 km chạy qua địa bàn các xã Vĩnh Lợi, Cấp Tiến, Đông Thọ, Quyết Thắng, Vân Sơn, Hồng Lạc, Sầm Dương và Lâm Xuyên thuộc huyện Sơn Dương. Tuyến bờ phải dài 6,9 km chạy qua địa bàn thành phố Tuyên Quang. Những năm gần đây, cả hai tuyến đê này đang xuống cấp và nhiều đoạn đã bị sạt lở nghiêm trọng.

Chúng tôi về thôn Xạ Hương, xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương, tình trạng sạt lở đê ở đây đang trở nên đáng báo động. Chiều dài đoạn sạt lở kéo dài khoảng 300 m với chiều cao vách ta-luy từ 8 đến 12 m, có những đoạn vị trí sạt lở chỉ cách chân đê chưa đến 1 m, trên mặt đê có hiện tượng lún nghiêng về phía sông 10-150 và xuất hiện những vết nứt chạy dài khoảng 45 m. Cùng tình trạng nêu trên, tại đoạn đê dài hơn 5,5 km qua xã Vân Sơn, hiện trạng mặt đê chưa được kiên cố, mái đê đã xuống cấp, không bảo đảm an toàn, nhiều điểm đã bị xói lở. Tại khu vực thôn Mãn Sơn, bờ sông sạt lở có chiều dài khoảng 1,4 km, trong đó có nơi điểm sạt lở chỉ cách chân đê 3 m, chiều cao ta-luy sạt thẳng đứng từ 2 đến 8 m. Tại chân đê các thôn Bờ Sông, xã Vĩnh Lợi bị sạt lở kéo dài khoảng 400 m; thôn Phú Lương, thôn Cây Xi, xã Cấp Tiến điểm sạt lở kéo dài khoảng 1,7 km, chiều cao vách ta-luy sạt thẳng đứng từ 8 đến 10 m; tình trạng sạt lở đất sản xuất cũng xảy ra ở thôn Hưng Thành, Lương Thiện, Hưng Thịnh, Hưng Định của xã Sầm Dương, riêng tại thôn Hưng Định vị trí sạt lở chỉ cách chân đê từ 2,5 đến 3 m. Tại thôn Phú Thọ, Quyết Thắng của xã Lâm Xuyên, khu vực bờ sông sạt lở kéo dài khoảng 1km, chiều cao vách ta-luy sạt thẳng đứng từ 8 đến 12 m. Một điểm chung của cả tuyến là mặt đê đều đã xuống cấp, có nhiều “ổ gà, ổ trâu”, hiện trạng mái đê không bảo đảm an toàn về các thông số kỹ thuật theo tiêu chuẩn quy định.

Trước thực trạng nêu trên, chính quyền các xã có điểm sạt lở nghiêm trọng đã buộc phải tiến hành đổ cọc bê-tông, không cho ô-tô lưu thông, đặt các biển cảnh báo để người dân biết, phòng tránh. Đồng thời, tổ chức lực lượng chức năng thường xuyên theo dõi diễn biến sạt lở ở khu vực nêu trên. Điều đáng nói là tuyến đê này cũng trùng với tuyến đường huyện, là tuyến giao thông quan trọng phục vụ việc đi lại và giao lưu hàng hóa của người dân, nay việc lưu thông của các phương tiện nhất là ô-tô bị cấm hoạt động gây ảnh hưởng lớn tới đời sống và công việc của người dân trong vùng.

Bên bờ phải sông Lô, đoạn đê này mặc dù chưa phát hiện những điểm mất an toàn trên bề mặt đê nhưng ở nhiều vị trí bờ sông cũng đã bị sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ cao khi mùa mưa lũ diễn ra. Ông Nguyễn Văn Thân, thôn Xạ Hương, xã Đông Thọ, bức xúc cho biết, do trước đây các tàu cuốc khai thác cát sỏi quá gần bờ cho nên gây sạt lở. Hiện nay mặc dù tàu cuốc cát sỏi không hoạt động nhưng cứ đến mùa mưa là tình trạng sạt lở lại diễn ra. Ông Thân chia sẻ, cứ tiếp tục thế này hết mùa mưa thì chắc chắn sẽ sạt lở đê. Trao đổi với chính quyền xã Đông Thọ, đồng chí Âu Văn Tá, Chủ tịch UBND xã cho biết, Đông Thọ có 3 km đê đi qua các thôn Đông Ninh, Xạ Hương, Đông Thọ, Đông Thịnh. Mấy năm trở lại đây, cứ vào mùa mưa lũ thì tuyến đê có hiện tượng sạt lở mạnh. Thời điểm tháng 6, tháng 7 năm 2017, đê bị sạt nghiêm trọng đến mức nghiêng đê. Trong đó, thôn Xạ Hương có diện tích bị sạt lở nhiều nhất, đoạn bị sạt nghiêm trọng nhất dài khoảng 65 m. Nguyên nhân dẫn đến sạt lở là do việc khai thác cát, sỏi, nạo vét làm cho lòng sông sâu xuống khi mực nước xuống thấp, đến khi có lũ thì nước dâng cao, đánh thẳng vào ta-luy dựng đứng gây sạt lở. Ngày trước, tính từ điểm sạt ra đến mép bờ sông là khoảng 50 m, bây giờ sạt vào tận chân đê. Người dân rất lo lắng trước tình trạng này, bởi nhiều hộ dân đã bị sạt lở hết diện tích đất bãi.

Đồng chí Trịnh Đình Hòa, Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương phản ánh, xã có hơn 3 km đê đi qua địa bàn, mặt đê chưa được kiên cố và lâu không được tu bổ cho nên xuống cấp nghiêm trọng, nhiều ổ gà, nhiều chỗ bị lầy, thụt khiến cho việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do các phương tiện như ô-tô tải chở hàng đi lại nhiều. Trước đây, khi chưa có kè thì cũng có hiện tượng sạt lở, nhưng từ khi được đầu tư xây dựng kè và cống dưới đê thì tình trạng sạt lở cũng đã được hạn chế.

Đồng chí Nguyễn Công Hàm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, qua công tác rà soát, kiểm tra công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phát hiện và thống kê đầy đủ những điểm sạt lở có nguy cơ ảnh hưởng tới thân đê trên tuyến đê thuộc địa bàn. Trước thực trạng các tuyến đê trong tỉnh như vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho tỉnh chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cho tuyến đê như tổ chức cắm biển báo, tổ chức hàng rào để cấm các phương tiện không đi qua khu vực đê xung yếu nguy hiểm, phân luồng các phương tiện đường thủy, hạn chế tàu bè đi vào gần bờ. Về công tác chuẩn bị ứng phó, chúng tôi đã giao cho huyện Sơn Dương chuẩn bị các công tác về vật tư, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Trước đây, qua phản ánh của nhân dân và thực trạng khai thác cát sỏi trên sông Lô, ngày 14-10-2016, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ra Thông báo số 88/TB-UBND chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành liên quan, UBND các huyện và thành phố Tuyên Quang dừng việc khai thác cát sỏi trên sông Lô bằng tàu cuốc từ ngày 17-10-2016 để xem xét, đánh giá lại ảnh hưởng của việc khai thác cát sỏi dẫn tới sạt lở bờ sông trên địa bàn. Thông báo này đến nay vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, đến mùa mưa lũ này đê sông Lô vẫn đang bị đe dọa, tình trạng sạt lở bãi sông uy hiếp thân đê vẫn đang xảy ra và ngày càng nghiêm trọng hơn. Do đó, cần có những biện pháp kịp thời giữ an toàn tuyến đê sông Lô để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân.

“Đê với đường sắp sạt lở xuống sông rồi, giờ mà vỡ đê là ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân. Cứ mùa mưa, lũ là người dân chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.

Nguyễn Văn Thọ (Xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương)

“Tuyến đê xã Vân Sơn bị sạt lở rất nhiều, có đoạn vào sát chân đê khoảng 3-4 m. Một số cống dưới đê đã bị sạt hết phần cửa ngoài ra phía sông. Đất sản xuất bị sạt, một số đoạn nguy hiểm đến chân đê, có thể gây sạt lở mất đê chống lũ”.

Tiêu Mạnh Tường Chủ tịch UBND xã Vân Sơn, huyện Sơn Dương

“Kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí xây dựng ba tuyến kè bảo vệ bờ sông Lô gồm: đoạn qua xã Sầm Dương dài 2,74 km; đoạn từ xã Vân Sơn đi xã Hồng Lạc dài 2,5 km, và đoạn qua xã An Khang (TP Tuyên Quang) để bảo đảm an toàn cho toàn bộ tuyến đê, bảo vệ người dân và đất đai trong mùa mưa lũ”.

Nguyễn Công Hàm Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang