Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng Phạm Tấn Đạo cho biết, xâm nhập mặn trên địa bàn Sóc Trăng diễn biến thường xuyên với mức độ nghiêm trọng, điển hình là các mùa khô năm 2015-2016, 2019-2020. Các năm tiếp theo, tình hình xâm nhập mặn tiềm ẩn nguy cơ cao, diễn biến phức tạp không theo quy luật do ảnh hưởng của dòng chảy sông Mê Công.
Theo kết quả quan trắc của Đài Khí tượng Thủy văn Sóc Trăng, các năm cao điểm xảy ra hạn mặn, thời gian bắt đầu mặn xâm nhập sớm hơn trung bình nhiều năm hơn 30 ngày. Khi đó, ranh mặn 3‰ vào sâu trong nội đồng trên tuyến sông Hậu cách cửa sông 60-65km. Còn ranh mặn 1‰ đã qua thị trấn An Lạc Thôn tiếp cận tỉnh Hậu Giang kéo dài trong nhiều ngày khiến các vùng trọng điểm sản xuất lúa và cây ăn trái của Sóc Trăng như Long Phú - Tiếp Nhựt, Kế Sách, Cù Lao Dung đứng trước nguy cơ bị thiệt hại nghiêm trọng.
Ông Phạm Tấn Đạo nhắc lại, đợt hạn mặn năm 2015-2016, tỉnh Sóc Trăng bị thiệt hại gần 28.000ha lúa, 4.000ha cây ăn trái, 215 ha rau màu; đợt xâm nhập mặn năm 2019-2020, hơn 500ha trồng lúa của tỉnh bị mất trắng…
Từ thực tế, tỉnh Sóc Trăng đã nghiên cứu, xây dựng hệ thống cống thủy lợi ứng phó. Nhiều công trình ngăn mặn, trữ ngọt được đầu tư trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai các nhiệm vụ, dự án về ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Trong đó, chú trọng củng cố, xây dựng các công trình thủy lợi, hệ thống đê; đầu tư hệ thống hạ tầng đô thị, khu dân cư nông thôn ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Theo đó, hệ thống công trình thủy lợi phục vụ mục tiêu kiểm soát nước và phòng, chống thiên tai của tỉnh bao gồm 635 cống, 407km đê bao sông, biển và khoảng 101km kênh tạo nguồn.
“Việc nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cống đáp ứng yêu cầu ngăn mặn, đồng thời nâng cấp hệ thống kênh vùng dự án Long Phú-Tiếp Nhựt thực hiện đa mục tiêu, đủ khả năng trữ ngọt, bảo đảm giao thông và bảo vệ môi trường. Nhờ đó, mùa mặn lịch sử 2019-2020 và các năm tiếp theo địa phương có diện tích sản xuất thiệt hại không đáng kể”, ông Huỳnh Ngọc Nhã thông tin thêm…
Cống Bà Xẩm tại xã Long Đức, huyện Long Phú là một trong những công trình có chức năng cấp nước cho vùng thủy lợi khép kín Long Phú-Tiếp Nhựt. Từ khi có trạm bơm với công suất 10.000 m3/giờ được lắp đặt tại cống này đã giúp nông dân trong vùng có thêm lượng nước ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất.
Ông Trần Văn Long ở xã Long Đức, huyện Long Phú cho biết, trước kia muốn lấy nước ngọt vô ruộng khó lắm. Từ khi có trạm bơm này, ruộng có nước ngọt nhiều hơn, nên năng suất tăng khoảng 50 đến 70%.
Trước đây, vào mùa thu hoạch, việc vận chuyển lúa rất vất vả khi qua cống, đến nay tình trạng này đã được khắc phục. Tại cống Cái Oanh, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú, không còn cảnh nhà nông phải nhọc nhằn khuân vác từng bao lúa qua khỏi cống như những năm trước nhờ cống vẫn được mở để hỗ trợ cho các ghe vận chuyển lúa trong giai đoạn thu hoạch. Đây là hiệu quả từ công trình cửa cưỡng bức vừa được bàn giao với nguồn vốn đầu tư hơn 8 tỷ đồng.
Giám đốc Công ty cổ phần Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng Lê Bá Khiết cho biết: “Chúng tôi phân công người trực 24/24 giờ để điều tiết nước. Khi độ mặn tăng lên đột xuất, các cống cơ bản đã được đóng và chỉ vận hành khi nguồn nước cho phép. Năm nay, xâm nhập mặn xuất hiện trùng với đợt thu hoạch lúa trong vùng dự án Long Phú-Tiếp Nhựt, việc vận hành cống bảo đảm phù hợp để điều tiết lượng ghe tàu vận chuyển lúa từ kênh, rạch ra”.
Ông Nguyễn Văn Thông ở xã Tân Thạnh, huyện Long Phú vui mừng nói, khi chưa có hệ thống cống cưỡng bức này phải chờ khi nào nước ngọt hoàn toàn thì cống mới mở, còn khi nước mặn, ghe ra vô vận chuyển lúa rất vất vả. Giờ có cái cống này rất thuận tiện cho dân, chi phí vận chuyển giảm do không phải thuê nhân công bốc vác qua cống.
Cùng với hệ thống cống được duy tu, sửa chữa, nâng cấp bảo đảm không rò rỉ nước mặn khi mặn xâm nhập trên sông Hậu và sông Mỹ Thanh, các kênh thủy lợi cũng được nạo vét góp phần giúp tỉnh Sóc Trăng thực hiện tốt việc ngăn mặn, trữ ngọt, kiểm soát nước phục vụ sản xuất. Sóc Trăng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đầu tư hệ thống cống dọc theo quốc lộ nam sông Hậu từ âu Rạch Mọp đến các hệ thống cống, kéo dài đến An Lạc Thôn. Sau khi hoàn thành, các hệ thống thủy lợi này sẽ phát huy hiệu quả kiểm soát nước, bảo đảm cho vùng trồng cây ăn trái đặc sản của tỉnh. Giải pháp công trình ứng phó với hạn, mặn ở Sóc Trăng được thực hiện phù hợp, đã phát huy hiệu quả tám dự án với kinh phí 1.169 tỷ đồng.
Tỉnh Sóc Trăng phối hợp các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang xây dựng Đề án liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng bán đảo Cà Mau. Trong đó, có hoạt động phòng chống thiên tai, nhất là xâm nhập mặn và thích ứng với biến đổi khí hậu.