Trước đó, chiều tối 19/2, chị A. được gia đình đưa vào cấp cứu tại một bệnh viện ở tỉnh Bạc Liêu và được chẩn đoán nhiễm siêu vi. Tuy nhiên, sau đó tình trạng của bệnh nhân đột nhiên diễn biến xấu, khó thở, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp phải đặt khí quản và thở máy với chẩn đoán suy hô hấp, choáng tim do viêm cơ tim cấp tính.
Bệnh viện lập tức hội chẩn với tuyến trên và xin được chuyển tuyến. Nhưng qua đánh giá tình trạng, nếu di chuyển thêm một quãng đường xa sẽ nguy hiểm đến tính mạng, nên bệnh viện tại Bạc Liêu đã liên hệ xin chuyển tuyến lên Bệnh viện đa khoa Sóc Trăng và nơi đây đồng ý tiếp nhận.
Đến khoảng 23 giờ cùng ngày, chị A. được chuyển đến Phòng cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Sóc Trăng. Lúc này, tình trạng của bệnh nhân rất nguy kịch, hôn mê, da niêm nhợt nhạt, không đo được huyết áp, choáng nặng, nhịp tim chậm xen kẽ với những đợt nhanh thất, rung thất và ngưng tuần hoàn, điện tim Block AV độ III.
“Sau khi cấp cứu ban đầu, hồi sức tim, phổi… bệnh nhân được tiến hành kỹ thuật ECMO. Do tình trạng nặng, tim rối loạn nhịp liên tục nên ê-kíp đã phải vận hành xuyên đêm, tất cả các vị trí đều trong tình trạng khẩn cấp. Sau đó, tình hình dần được kiểm soát tốt. Đến ngày thứ hai vận hành ECMO, bệnh nhân cải thiện tốt. Nếu không xử trí kịp thời, cơ hội sống của bệnh nhân sẽ không còn, chúng tôi rất vui vì đã xử lý tốt bệnh tình, giúp chị A. thoát khỏi bàn tay tử thần”, bác sĩ Hiền chia sẻ.
Thời gian qua, ê-kíp thực hiện kỹ thuật ECMO của Bệnh viện đa khoa Sóc Trăng đã thành công cứu sống được nhiều bệnh nhân nguy kịch. Đó là kết quả của quá trình nỗ lực không ngừng của ê-kíp trong việc học tập, làm chủ được kỹ thuật cấp cứu tiên tiến với sự phối hợp nhiều chuyên khoa của các khoa như: Cấp cứu tổng hợp, tim mạch, ngoại tổng quát, gây mê hồi sức và hồi sức cấp cứu và chống độc...