Số trẻ em cận thị ở thành phố cao gấp đôi trẻ sống ở nông thôn

NDO -

NDĐT - Việt Nam có khoảng ba triệu trẻ em đang mắc tật khúc xạ cần được chỉnh kính, trong đó 10-15% trẻ em ở độ tuổi 6–15 tuổi sinh sống tại nông thôn, còn ở khu vực thành thị, con số này lên đến 20-40%.

Số trẻ em cận thị ở thành phố cao gấp đôi trẻ sống ở nông thôn

Theo nghiên cứu của Ian Morgan, trường Đại học Quốc gia Úc (ANU) tiến hành năm 2015, khoảng 50% dân số châu Á mắc tật khúc xạ. Trong báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Viện thị giác Brien Holden (BHVI), đến năm 2050, trên toàn thế giới, cứ hai người thì có một người bị cận thị.

Tại buổi chia sẻ thông tin nhằm nâng cao nhận thức cho phụ huynh và học sinh về tác hại của việc tăng độ kính, để giúp phòng/tránh mù lòa do biến chứng của cận thị nặng ở trẻ em diễn ra chiều 20-7, TS, BS Vũ Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Y Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, tại Việt Nam, khoảng 3 triệu trẻ em đang mắc tật khúc xạ cần được chỉnh kính. Trong đó, có 10-15% trẻ em ở độ tuổi 6–15 tuổi sinh sống tại nông thôn, còn ở khu vực thành thị, con số này lên đến 20-40%.

“Cận thị thường xảy ra ở những đối tượng trẻ như học sinh, sinh viên… nhưng lại không được quan tâm đúng mực. Nhiều người thờ ơ cho rằng đây là tình trạng quá bình thường, không có gì nguy hiểm”, BS Tuấn nói.

Các chuyên gia nhãn khoa nhấn mạnh từ 0–17 tuổi là giai đoạn độ cận tiến triển nhanh. Người có độ cận thị cao (trên 6 Diop) không chỉ gặp phải những bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày vì tầm nhìn suy giảm, mà nguy hiểm hơn những biến chứng về đáy mắt, luôn rình rập khiến người cận thị cao có nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn.

Điều này là do khi bị cận thị nặng, nhãn cầu mắt to ra sẽ kéo giãn các thành phần quang học đi kèm gây thiếu hụt cung cấp máu, khiến tình trạng đục thủy tinh thể, glôcôm đến sớm. Khi võng mạc bị kéo mỏng đi sẽ gây ra hàng loạt các biến đổi và bệnh lý nguy hiểm như thoái hóa võng mạc, bong rách võng mạc… Đây đều là những bệnh lý mắt có thể gây mù hàng đầu hiện nay, làm suy giảm nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

BS Tuấn nhấn mạnh, dù cận thị là tật khúc xạ phổ biến nhưng nếu không được chăm sóc và bảo vệ kịp thời, cận thị sẽ khiến “bộ đôi” quan trọng nhất của mắt là thủy tinh thể và võng mạc gặp nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chính vì thế, tăng cường bảo vệ hai yếu tố này chính là giải pháp bền vững giúp bảo vệ thị lực, chủ động ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm gây mù lòa.