Sơ cấp cứu sai cách, hậu quả càng nặng nề hơn

NDO - Trang bị kiến thức sơ cấp cứu rất quan trọng để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Có nhiều trường hợp vì cấp cứu sai cách nên không những không cứu được bệnh nhân mà chính bản thân còn gặp tai nạn tử vong. 
0:00 / 0:00
0:00
Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai hướng dẫn sơ cấp cứu. (Ảnh: HÀ NAM)
Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai hướng dẫn sơ cấp cứu. (Ảnh: HÀ NAM)

Ngày 5/4, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức cung cấp những kỹ năng sơ cứu cơ bản cho báo chí nhằm truyền thông rộng rãi đến cộng đồng

Sai lầm khi thực hiện sơ cấp cứu người bệnh

"Hành động anh hùng nhưng bạn trở thành gánh nặng cho nhiều người khác nếu không biết cách làm đúng", bác sĩ Ngô Đức Hùng, Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai đưa ra lời cảnh báo cộng đồng khi muốn hỗ trợ thực hiện các biện pháp sơ cấp cứu cho nạn nhân.

Có không ít trường hợp người bệnh thêm bệnh cảnh nặng nề do cấp cứu sai cách, và đáng tiếc rất nhiều trường hợp do nôn nóng cứu người khác, bỏ qua yếu tố an toàn của bản thân nên đã tử vong.

Bác sĩ Hùng dẫn chứng trường hợp điển hình vào tháng 8/2021, một trường hợp rơi xuống giếng, 3 người ở trên (trong đó có một người nhà) nôn nóng xuống giếng cứu. Rất tiếc, nạn nhân thì cứu được sau ngạt nước, nhưng 3 người này đều đã tử vong.

Năm 2022, một người đàn ông tử vong khi lao xuống biển cứu 5 du khách do không biết bơi. Vì mải lo lắng cho tính mạng người thân mất tích ở trong lò vôi, lần lượt 8 người gồm cả người thân, hàng xóm đã đi vào lò vôi để tìm cứu bệnh nhân nhưng họ đều tử vong... do ngạt khí. Đây là trường hợp tử vong cực kỳ đáng tiếc do không biết cách bảo đảm an toàn cho mình.

Sơ cấp cứu sai cách, hậu quả càng nặng nề hơn ảnh 1

Bác sĩ hướng dẫn sơ cấp cứu đúng cách. (Ảnh: HÀ NAM)

Có rất nhiều vụ việc sơ cứu không đúng cách, gây ra hậu quả nặng nề hơn cho bệnh nhân khi nhập viện. Một bệnh nhân ở Hải Phòng bị tai nạn giao thông gãy đốt sống cổ, nhưng do không có kiến thức sơ cứu nên đã bế nạn nhân đến bệnh viện, hậu quả là mảnh xương vỡ đâm vào tuỷ khiến bệnh nhân bị liệt.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh, việc có kiến thức sơ cấp cứu rất quan trọng để kịp thời hỗ trợ người bệnh không may gặp nạn. Sơ cấp cứu đúng cách, có thể cứu tính mạng người bệnh ngoạn mục.

Mới đây, một du khách Ấn Độ đến du lịch ở Đà Nẵng bất ngờ bị ngất xỉu, ngã xuống đất, ngừng tim, mất ý thức, vệ sinh không tự chủ, đã lập tức được nữ điều dưỡng Đặng Thị Hạ (Bệnh viện Bạch Mai) cấp cứu tại chỗ một cách chuyên nghiệp, đã giúp du khách qua cơn nguy kịch.

Nguyên tắc chung của sơ cấp cứu

Theo bác sĩ Ngô Đức Hùng, khi tham gia sơ cấp cứu trong mọi tình huống, hãy chú ý đến tính an toàn, đúng đắn và pháp lý. Sau cùng mới là vấn đề đạo đức. Nguyên tắc quan trọng nhất là phải bảo đảm toàn cho mình trước bởi, thời gian là vàng nhưng an toàn là mạng sống.

Mục đích của sơ cấp cứu là nhằm giảm thiểu các trường hợp tử vong, hạn chế tổn thương thứ phát và tạo điều kiện cho nạn nhân hồi phục. Bởi vậy, theo bác sĩ Ngô Đức Hùng, nguyên tắc chung của sơ cấp cứu phải là:

1. An toàn

2. Không di chuyển nạn nhân khi chưa đánh giá ban đầu

3. Bình tĩnh và luôn cần sự trợ giúp

4. Hành động thống nhất

5. Đề phòng lây nhiễm: Đeo găng tay hoặc sử dụng túi nilon khi tiếp xúc với vết thương; Rửa tay trước và sau khi sơ cứu; Xử lý các vật dụng sau khi sơ cứu

Bác sĩ Hùng đưa ra các nguyên tắc chung của sơ cấp cứu là sử dụng vật dụng thay thế trong tình huống cấp cứu như làm sạch tạm thời bằng coca, rượu nếu không có cồn và bảo vệ tay bằng găng, túi nilon.

Nhưng không rửa tay bằng nước ngọt hay dung dịch có nhiều đường, cũng không nên rửa tay tại các nguồn nước kênh, rạch, ao, hồ, đặc biệt là nước tù đọng, bởi chúng tiềm ẩn các ổ vi khuẩn càng làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng cho nạn nhân hoặc cho chính người sơ cứu.

Việc sơ cấp cứu được tiến hành theo các bước: Đánh giá hiện trường; đánh giá ban đầu về tình hình nạn nhân; gọi trợ giúp (113,114,115) rồi mới sơ cứu và vận chuyển.

Sơ cấp cứu sai cách, hậu quả càng nặng nề hơn ảnh 2

Kỹ thuật ép tim hồi sức tim phổi cho nạn nhân. (Ảnh: HÀ NAM)

Tránh trường hợp một số người khi gọi cho 114, 115 rối trí không biết nói gì. Khi gọi cho số máy khẩn cấp, cần xưng danh và cho số điện thoại của người sơ cứu, rồi thông báo về loại tai nạn, tổn thương và mức độ nghiêm trọng; số lượng, giới tính, độ tuổi của các nạn nhân; tình trạng nguy hiểm tại hiện trường như có chất cháy, nổ, khí độc hay không và nói rõ địa điểm xảy ra tai nạn.

Trong các vụ nạn lao động hay tai nạn giao thông, phải luôn chú ý tới cột sống cổ, để tránh trường hợp kể trên khiến bệnh nhân bị liệt hoàn toàn do sơ cứu sai cách.