Theo số liệu từ Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA), số ca nhiễm Omicron được ghi nhận trên toàn quốc đã đạt gần 25 nghìn trường hợp tính đến sáng 18/12 (theo giờ Việt Nam), tăng hơn 10 nghìn ca so với 24 giờ trước đó.
Số ca tử vong liên quan đến biến thể mới hiện được cho là đã tăng lên 7 trường hợp, so với số liệu gần nhất 1 ca tử vong UKHSA công bố hồi đầu tuần. Tỷ lệ nhập viện trong số những ca nhiễm biến thể mới cũng tăng lên 85 ca, so với 65 ca 1 ngày trước đó.
Nhóm Cố vấn khoa học về các trường hợp khẩn cấp (SAGE) của chính phủ bày tỏ lo ngại, có thể số ca nhiễm biến thể mới tại Anh đã lên đến hàng trăm nghìn người, và nếu không thắt chặt hơn nữa các biện pháp phòng dịch, nước này có thể chứng kiến tới 3.000 ca nhập viện mỗi ngày.
Dù các chuyên gia cũng cho rằng còn quá sớm để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh Covid-19 do biến thể Omicron gây ra có nhẹ hơn so với biến thể Delta hay không, số ca nhiễm tăng cao vẫn sẽ gây áp lực đáng kể đến hệ thống y tế và các bệnh viện.
Tháng 1 năm ngoái, trước khi chiến dịch tiêm phòng Covid-19 ở Anh đạt đỉnh, tổng số ca nhập viện hàng ngày đã tăng lên mức trên 4.000 ca.
Trong bối cảnh số người nhập viện do Covid-19 tại London đã tăng gần 30% trong tuần này, Thị trưởng London Sadiq Khan đã phải ban bố “tình huống khẩn cấp”, cho phép các cơ quan chức năng tại thủ đô phối hợp chặt chẽ hơn, cùng với sự hỗ trợ từ chính quyền trung ương để đối phó với mức độ nghiêm trọng của tình hình dịch bệnh.
Theo giới chức y tế London, các ca nhiễm biến thể Omicron đã chiếm hơn 80% các ca mắc Covid-19 mới ở thủ đô của Anh.
Thủ tướng Boris Johnson dự kiến chủ trì 1 cuộc họp của ủy ban ứng phó khẩn cấp với Covid-19 vào cuối tuần, trong đó giới chức nước này dự kiến đưa ra các quy định mới nghiêm ngặt hơn được áp dụng trong vòng 2 tuần sau Giáng sinh, bao gồm hạn chế tụ tập trong không gian kín, ngoại trừ nơi làm việc, cũng như hạn chế phục vụ bàn ngoài trời ở các quán rượu và nhà hàng.
Người phát ngôn của Chính phủ Anh cho biết, chính quyền sẽ tiếp tục xem xét kỹ lưỡng tất cả các thông tin về biến thể mới trước khi đưa ra các biện pháp ứng phó tiếp theo.
Trước lo ngại về tình hình lây lan của biến thể Omicron tại Anh, Đức đã quyết định sẽ áp dụng các biện pháp cách ly y tế trong vòng 2 tuần đối với những hành khách nhập cảnh nước này từ Anh, kể cả những người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Theo đó, biện pháp này sẽ có hiệu lực từ bắt đầu từ 0 giờ ngày 20/12, cùng với đó là bắt buộc các hành khách khác phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi nhập cảnh Đức.
Tại Italia, Viện y tế quốc gia (ISS) ngày 18/12 cho biết, biến thể Omicron đang lây lan với tốc độ nhanh chóng ở nước này.
Theo báo cáo, mạng lưới các phòng thí nghiệm vùng của ISS cho đến nay đã xác định được 84 trường hợp nhiễm biến thể Omicron, tăng mạnh so với 55 trường hợp được báo cáo vào đầu ngày thứ sáu. Trong đó, các ca bệnh mới tập trung chủ yếu ở vùng Lombardy và Campania.
Chủ tịch ISS Silvio Brusaferro cho biết, sự lây lan của Omicron đã được dự đoán trước và trong những ngày tới, số ca mắc mới ở Italia có thể tiếp tục tăng, như những gì đã thấy ở các quốc gia khác.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cùng ngày cho biết, nước này có thể sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn trước sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron.
Theo ông Veran, các ca nhiễm biến thể Omicron ở Pháp đã chiếm 10% tổng số ca mắc mới Covid-19, và rất có thể con số này có thể tăng lên hơn 50% vào đầu năm tới.
Thủ tướng Pháp Jean Castex trước đó cho biết, chính phủ sẽ đề xuất 1 dự luật vào tháng 1 năm sau, cho phép điều chỉnh “thẻ y tế” hiện hành thành “thẻ vaccine”, chỉ cho phép những người đã được tiêm ngừa Covid-19 được tới những không gian kín công cộng như quán bar, nhà hàng và rạp chiếu phim.
Ủy ban khoa học cố vấn cho Chính phủ Pháp về Covid-19 cũng khuyến nghị đưa ra các biện pháp hạn chế trong dịp đón năm mới, có thể bao gồm cả lệnh giới nghiêm.
Trước lo ngại về biến thể Omicron, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ngày 18/12 thông tin, nước này sẽ tiến hành phong tỏa nghiêm ngặt trong suốt kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới để ngăn chặn biến chủng Omicron lây lan trong cộng đồng.
Phát biểu trong 1 cuộc họp báo phát sóng trên truyền hình, Thủ tướng Rutte nói, đợt phong tỏa này là điều khó tránh khỏi trước làn sóng lây nhiễm thứ năm với sự xuất hiện của biến chủng Omicron.
Theo đó, tất cả cửa hàng và dịch vụ không thiết yếu, bao gồm nhà hàng, tiệm làm tóc, bảo tàng và phòng tập thể dục sẽ đóng cửa từ ngày mai cho đến ngày 14/1 năm sau, trong khi các trường học trên toàn quốc sẽ đóng cửa cho đến ít nhất là ngày 9/1/2022.
Các biện pháp nghiêm ngặt khác cũng được áp dụng, bao gồm yêu cầu các hộ gia đình không được đón quá 2 khách, và các cuộc tụ tập ngoài trời cũng được giới hạn ở mức tối đa là 2 người.
Cho đến nay, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp do biến thể mới Omicron có tốc độ lây lan mạnh đã lan rộng sang gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo báo cáo mới nhất công bố ngày 18/12 từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện biến thể Omicron đã được ghi nhận ở 89 quốc gia, và số ca bệnh đang tăng gấp đôi trong khoảng thời gian ngắn chỉ từ 1,5 đến 3 ngày ở những khu vực có sự lây nhiễm trong cộng đồng.
WHO cảnh báo, với số ca bệnh tăng lên nhanh chóng, các bệnh viện ở một số nơi có thể nhanh chóng trở nên quá tải như ở Anh và Nam Phi.
Tổ chức này cũng cho biết, vẫn cần có thêm dữ liệu để đánh giá về mức độ nghiêm trọng của bệnh Covid-19 gây ra bởi Omicron, cũng như hiệu lực hoặc hiệu quả của vaccine trước biến thể này.
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 9 giờ 30 phút sáng 19/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 274.536.717 ca mắc Covid-19, trong đó có 5.366.516 ca tử vong. Tổng số ca đã khỏi bệnh là 246.334.110 ca.
Trong 24 giờ qua, châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca mắc mới và tử vong nhất so với các châu lục khác trên thế giới, với con số tương ứng là 344.486 ca và 3.057 ca. Tại khu vực này, Anh là nước có số ca mắc cao nhất với 90.418 ca, trong khi Nga ghi nhận số ca tử vong cao nhất với 1.076 ca.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch khi ghi nhận tổng cộng gần 51,7 triệu ca mắc và trên 827 nghìn ca tử vong. Kế đến là Ấn Độ với 34,7 triệu ca mắc và 477 nghìn ca tử vong. tiếp theo là Brazil với 22,2 triệu ca mắc và trên 617 nghìn ca tử vong.