Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong 1-2 tuần gần đây số bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng của các tỉnh chuyển về bệnh viện có xu hướng tăng nhiều so với trước đây.
“Chúng tôi không rõ số bệnh nhân nặng của tỉnh nhiều lên hay do tỉnh chuyển lên để chuyển sang hoạt động khám chữa bệnh bình thường. Hiện tại, Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện gần kín hết giường bệnh”, ông Cấp cho biết.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã thiết lập đơn nguyên điều trị bệnh nhân Covid-19 riêng biệt dành cho bệnh nhân nặng với số bệnh nhân hiện tại khoảng 70 người. Bệnh nhân Covid-19 trung bình đến nặng chuyển sang Khoa Virus ký sinh trùng.
Theo chuyên gia này, các trường hợp nhiễm Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện hầu hết là những người không tiêm vaccine dẫn tới diễn biến nặng cao hơn. Các trường hợp tiêm vaccine khá xa cũng có nguy cơ diễn biến nặng cao hơn chút. Một số người có khả năng đề kháng hạn chế thì khả năng miễn dịch khi tiêm vaccine không cao dẫn tới dễ tái nhiễm.
“Thông thường các trường hợp phải nhập viện do Covid-19 là bệnh nhân lớn tuổi có nhiều bệnh lý nền. Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp người không quá cao tuổi, không có bệnh nền mà diễn biến bệnh cũng tiến triển khá nặng”, ông Cấp nói.
Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, trong một tháng đổ lại đây, bệnh nhân Covid-19 có xu hướng tăng nhẹ trở lại. Đặc biệt, một tuần trở lại đây, số lượng bệnh nhân trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng luôn trong tình trạng kín giường.
“Khoa hiện đang điều trị cho 25 bệnh nhân. Trong số này có 13 bệnh nhân phải thở máy, số còn lại phải thở oxy mask hoặc HFNC (oxy dòng cao). Hầu hết là bệnh nhân lớn tuổi hoặc mang nhiều bệnh nền như phổi tắc nghẽn mãn tính, suy giảm miễn dịch như HIV, huyết học, bệnh tim mạch… Với những người có bệnh nền và người cao tuổi mắc Covid-19 tiến triển bệnh nặng nhanh và can thiệp điều trị khó khăn”, bác sĩ Phúc cho hay.
Theo chuyên gia này, việc gia tăng ca Covid-19 chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có thể do một số nguyên nhân. Một là, các đơn nguyên điều trị Covid-19 ở tuyến tỉnh có xu hướng đóng cửa nên các trường hợp nhiễm Covid-19 nặng sẽ chuyển tiếp lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Thứ hai, do thời gian tiêm vaccine mũi 3 khoảng 6 tháng nên hiệu lực vaccine thấp, bệnh nhân dễ mắc trở lại, khi mắc sẽ nặng hơn. Do đó, việc tiêm vaccine mũi 4 rất quan trọng với người có yếu tố nguy cơ cao, người có bệnh nền.
Số bệnh nhân nặng ở phía bắc chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tăng cao. |
Biến thể mới xâm nhập, tăng cường tiêm vaccine mũi nhắc lại
Sự xuất hiện của biến thể phụ mới của Omicron là BA.2.12.1 tại Việt Nam khiến các chuyên gia lo ngại dịch bệnh sẽ có những diễn biến phức tạp.
BA.2.12.1 có một sự biến đổi gene ở phần protein gai của virus để bám vào tế bào người khi lây nhiễm. Nghiên cứu ban đầu chỉ ra rằng, BA.2.12.1 có khả năng gây lây nhiễm cao hơn 25% so với Omicron "tàng hình" BA.2. Trong khi đó, Omicron "tàng hình" BA.2 đã có khả năng lây nhiễm cao hơn chủng gốc Omicron đến 50%.
Trong số hơn 30 mẫu được làm giải trình tự gene do Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh thực hiện trong tuần qua, biến thể phụ BA.2 chiếm khoảng 30%, số còn lại là BA.4, BA.5, và cả biến thể phụ BA.2.12.1.
Theo chuyên gia, biến thể phụ BA.4, BA.5 đang dần chiếm tỷ lệ cao cùng biến thể phụ B.A.2. Theo y văn thế giới, các biến thể phụ này đều có khả năng lẩn tránh miễn dịch.
Với sự xuất hiện của biến thể phụ mới, số ca nhiễm mới cũng tăng theo. Ở một số quốc gia, sự gia tăng ca bệnh cũng dẫn đến sự gia tăng số ca nhập viện, nhập hồi sức cấp cứu và tử vong.
Theo PGS, TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, biến thể mới lây lan mạnh hơn biến thể cũ. “Thực tế đã chứng minh biến thể Alpha, Beta, Delta trước đó đều lây lan nhanh hơn và có khả năng gây bệnh nặng hơn so với biến chủng gây bệnh gốc ở Vũ Hán. Vì vậy, người dân cần đề cao cảnh giác và không nên lơ là trong công tác phòng chống dịch”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo chuyên gia này, làn sóng dịch này có thể có quy mô nhỏ so với làn sóng dịch cũ nhưng cũng cần có sự quan tâm của toàn thể người dân. Covid-19 là một loại bệnh truyền nhiễm, do vậy bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng là bảo vệ sức khỏe của những người xung quanh, và giúp phòng tránh lây nhiễm trong cộng đồng, hạn chế tình trạng quá tải cho bệnh viện và nhân viên y tế.
Chuyên gia này nhấn mạnh, người dân hoàn toàn có thể tái nhiễm Covid-19. Nếu lần 1 nhiễm biến thể Delta thì vẫn có thể mắc thêm biến thể mới như Omicron, BA.1, BA.2, BA.4, BA.5,... do đó cần phải tiêm mũi 3, 4 vaccine để nâng hiệu quả bảo vệ cơ thể khỏi các biến thể mới.
Vaccine là biện pháp bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm bệnh và giảm nguy cơ bệnh trở nặng nếu lỡ mắc Covid-19. Trong một nghiên cứu khoa học của Israel, sau 4 tháng, những người chỉ tiêm mũi 3 và không tiêm mũi 4 có khả năng trở nặng và tử vong cao gấp 3,5 - 4,5 lần so với người tiêm mũi 4.
Đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn tay, đặc biệt là khi có triệu chứng hoặc tiếp xúc với những người có triệu chứng mắc bệnh; đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng hoặc tiếp xúc với nhân viên y tế.
Khi có triệu chứng, người bệnh cần thực hiện xét nghiệm nhanh để xác định bản thân có nhiễm Covid-19 hay không. Nếu mắc, người bệnh cần cách ly nhanh để tránh lây lan cho mọi người và theo dõi triệu chứng để nếu bệnh trở nặng cần nhập viện điều trị kịp thời. Một số đối tượng đặc thù có thể sử dụng thêm thuốc kháng virus.